Nâng cao sức cạnh tranh

Nâng cao sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam

Ngành sản xuất lúa gạo đang thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.
Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng và xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Từ một quốc gia thiếu đói, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tạo ra một lượng thặng dư ngoại tệ cho đất nước nhập khẩu máy móc, trang thiết bị hiện đại hóa cho nhiều ngành công nghiệp đồng thời, giữ vững an ninh lương thực.

Ngày càng khẳng định vị trí hàng đầu

Đến năm 2007, kinh tế Việt Nam mới chính thức hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng người nông dân sản xuất gạo Việt Nam đã tham gia thị trường toàn cầu từ trước đó gần 2 thập niên.

Từ năm 1989, Việt Nam đã trở thành một nhà cung cấp gạo quan trọng trên thị trường gạo thế giới. Giai đoạn 1989-2008, Việt Nam xuất khẩu bình quân hàng năm trên 3 triệu tấn gạo sang 128 quốc gia, đạt mức 5,2 triệu tấn vào năm 2005.

Đặc biệt, năm 2009, Việt Nam có một kỷ lục mới về sản lượng xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được hơn 6,82 triệu tấn gạo, trong đó đã xuất được gần 5,7 triệu tấn, số còn lại sẽ giao trong cuối năm nay và đầu năm 2010.

Nếu năm 2008 là năm đánh dấu mốc kim ngạch xuất khẩu gạo vượt qua con số 2 tỷ USD thì năm nay là năm lập kỷ lục về số lượng gạo xuất khẩu với 6 triệu tấn.

Với thị trường toàn cầu, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí, giữ được giá xuất khẩu, loại gạo cấp trung bình có khả năng cạnh tranh cao. Việc duy trì các thị trường truyền thống đóng vai trò nền tảng giúp ngành lúa gạo Việt Nam có thời gian khắc phục khiếm khuyết về giống lúa, chất lượng gạo, tập quán canh tác, sức chứa kho dự trữ, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến…

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế đánh giá công tác điều hành xuất khẩu gạo cũng đang bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục như chưa xác định rõ trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo với trách nhiệm bình ổn giá thu mua, buôn bán.

Trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo hiện nay, nhiều doanh nghiệp năng lực yếu kém, chỉ tham gia xuất khẩu khi thị trường có lợi và mới chỉ làm được “phần ngọn” của quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất khẩu. Không chỉ vậy, việc thị trường lúa gạo luôn biến động nhưng nguồn thông tin dự báo sớm và sự phối hợp trong công tác thông tin vẫn còn thiếu.

Nhận định về thị trường lúa gạo năm 2010, Phó Chủ tịch với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Thọ Trí cho biết, thị trường đang có dấu hiệu thuận lợi, nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Á, châu Phi đang tiềm ẩn nhiều khả năng.

Do đó, Việt Nam cần có hệ thống dự báo chính xác, nhạy bén; tổ chức tốt hệ thống thu mua, chế biến và bảo quản để bảo đảm chất lượng gạo; đồng thời mở rộng khả năng chủ động ứng phó diễn biến thị trường; công tác điều hành xuất khẩu sắp có cơ chế mới phù hợp, chỉnh đốn đội ngũ doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm và quan tâm cụ thể đến khâu sản xuất của người nông dân…

Nâng cao hiệu quả các giải pháp

Tại hội thảo "Lúa gạo Việt Nam-Xuất khẩu và hội nhập" được tổ chức mới đây tại tỉnh Hậu Giang, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu-Bộ Công Thương cho biết, trước mắt, Việt Nam cần nâng cao năng lực điều phối điều hành giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Ðồng bằng sông Cửu Long cũng như VFA trong công tác chỉ đạo, điều phối hoạt động xuất khẩu.

Việc tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, loại bỏ bớt thành phần tham gia xuất khẩu tự phát và chạy theo lợi nhuận thương mại; tạo cơ chế tích tụ quy mô hoạt động xay xát, chế biến và dự trữ thông qua việc quy định cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng rất cần thiết.

"Việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị, chất lượng và xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam đang trở nên cấp thiết trong xu thế hội nhập", ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới Hermawan Kartajaya cũng đánh giá, công tác marketing là hết sức cần thiết trong việc đưa hạt gạo Việt Nam ra thị trường thế giới. Cũng như bao loại hàng hóa khác, gạo Việt Nam cũng cần phải định vị thương hiệu và nếu không có chiến lược rõ ràng thì việc bán gạo cũng chi phối bởi quy luật cung cầu như bao loại hàng hóa thông thường khác.

Ngoài những giải pháp trên, một trong những thông điệp của hội thảo là các địa phương phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất theo hướng cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã. Điều này sẽ thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, hạt gạo Việt Nam mới có thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục