Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam

Góp ý sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu ở An Giang, Phú Yên, Bình Dương cho rằng dự thảo Hiến pháp đã nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Dự thảo Hiến pháp lần này cần nâng cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều Điều cần sửa đổi bổ sung phù hợp với thực tế phát triển hội nhập.

Đây là những kiến nghị của các đại biểu tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại tỉnh An Giang và Phú Yên trong ngày 28/2.

Tại An Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cùng Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân, Hội Cựu chiến binh, Công an, Quân sự tỉnh…. tổ chức lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Hiến pháp 1992.

Các ý kiến đánh giá dự thảo được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể, thấm nhuần tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Về Hội đồng Hiến pháp, dự thảo cần quy định thêm quyền cho cơ quan này trong việc độc lập ra các quyết định xử lý việc các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền ra văn bản trái Hiến pháp, hơn là nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến; đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét văn bản vi hiến.

Có ý kiến phân tích qua 42 năm công tác "kiểm sát chung" đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã phát hiện được hành vi vi phạm và tội phạm. Nhưng qua 10 năm bãi bỏ "kiểm sát chung," đã tạo ra khoảng trống, dẫn đến hoạt động của Viện kiểm sát trùng lắp chồng chéo với hoạt động giám sát của Quốc hội. Vì vậy kiến nghị, Hiến pháp 1992 sửa đổi bổ sung lần này nên khôi phục "Công tác kiểm sát chung" để tiếp tục phát huy hiệu quả bảo vệ an ninh trật tự xã hội, quyền và lợi ích của nhân dân.

Chiều cùng ngày, Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hội thảo đã thu được nhiều ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 tập trung đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và Hội liên hiệp Phụ nữ. Đa số các đại biểu tham gia Hội nghị đã thống nhất với số lượng chương, điều và sự ngắn gọn của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Bà Phạm Thị Tương Lai - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho rằng: “Tại khoản 2 Điều 38 “Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luât” thì cần làm rõ phân biệt, đối xử về cái gì?

Bà Phạm Thị Tương Lai cho rằng, nên bỏ khoản 1 Điều 116 “Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại điện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên” vì hiện nay đang thực hiện bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã, phường,…

Nhìn chung, các thành viên tham gia Hội nghị đã phát huy quyền làm chủ, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong sự kiện quan trọng của đất nước, đã tích cực thảo luận, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Theo Ban tổng hợp các ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Bình Dương, đến nay đã có gần 1.000 ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh được Ban tổng hợp ghi nhận, trong đó có 15 ý kiến đóng góp bằng văn bản, 15 đơn vị, cơ quan gửi báo cáo tổng hợp kết quả tổ chức lấy ý kiến trong cán bộ, công chức về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều ý kiến tâm huyết và cụ thể.

Ông Đoàn Xuân Hội - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Dương cho rằng, để bảo đảm thống nhất và bình đẳng giữa các dân tộc, tại Khoản 4, Điều 5, Chương I (sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Hiến pháp 1992) cần bỏ đi từ “thiểu số.”

Ở Khoản 2, Điều 7 cần ghi rõ: “Khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm, đại biểu Hội đồng Nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng Nhân dân bãi nhiệm.”

Tại Khoản 4, Điều 32, Chương III, ghi: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…”, nên sửa lại bằng từ “không đúng pháp luật” để bao hàm đầy đủ tính chất hơn. Ở khoản 4, Điều 124, Chương XI quy định: “Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành,” xem xét tăng tỷ lệ này lên là “ba phần tư tổng số Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.”

Giám đốc Sở Tư pháp Trần Hồng Long nhận xét: Trong Chương II của Dự thảo về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có 37 điều, thể hiện sự tiến bộ đặc biệt. Tuy nhiên, Điều 21 (mới) “Mọi người có quyền sống” nên bổ sung thêm là “Mọi người có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục