Nâng cao ý thức chấp hành giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh việc triển khai, áp dụng nghiêm các biện pháp, kể cả chế tài xử phạt thì ý thức người dân sẽ là nhân tố quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh.
Nâng cao ý thức chấp hành giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Ngã năm Hoàng Văn Thụ-Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình) vắng vẻ hơn bình thường. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Toàn Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là “thời điểm vàng” để thành phố nỗ lực “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng.

Bên cạnh việc triển khai, áp dụng nghiêm các biện pháp, kể cả chế tài xử phạt thì ý thức người dân sẽ là nhân tố quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện Chỉ thị số 16, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành và thực hiện tổng lực, đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 và Trung tâm Thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.

Về biện pháp y tế, thành phố đã và đang khẩn trương điều tra dịch tễ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát cộng đồng theo trọng tâm, trọng điểm và nỗ lực điều trị các ca nhiễm.

Ngoài các khu cách ly ban đầu, thành phố còn lập thêm các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Đáng chú ý, thành phố đã triển khai 12 chốt, trạm kiểm soát tại các cửa ngõ tiếp giáp với các địa phương, phân luồng riêng cho các phương tiện có giấy nhận diện do Sở Giao thông Vận tải cấp và lập 266 chốt kiểm soát tại các quận, huyện để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Tính từ 0 giờ ngày 9/7 đến 17 giờ ngày 12/7, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra với 603 đoàn kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 12.433 vụ với tổng số tiền xử phạt 3,31 tỷ đồng. Các trường hợp bị xử phạt vì không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu…

Chỉ trong thời gian ngắn, những con số trên cho thấy phần nào tâm lý chủ quan, thái độ chấp hành Chỉ thị 16 chưa nghiêm của không ít người dân, cá biệt còn có hiện tượng tụ tập đông người, tiềm ẩn uy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

[TP.HCM điều chỉnh vị trí chốt kiểm soát, không để ùn ứ giao thông]

Vừa qua, khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định việc thực hiện Chỉ thị số 16 tại thành phố là một quyết định khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động kinh tế của thành phố nhưng đây là quyết định đúng đắn, đúng hướng, cần thiết, có hiệu quả bước đầu, được Trung ương, nhân dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn người dân chia sẻ với Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, mạnh mẽ.

Cần giữ nhịp "quyết liệt"

Để thực hiện Chỉ thị 16 và các chỉ đạo liên quan của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố quy định, khi qua chốt, trạm kiểm soát, người dân cần phải có các giấy tờ như Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (đối với người đi ra vào khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận), giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện giao thông, giấy tờ xác nhận cơ quan, thẻ cán bộ công nhân viên chức và đặc biệt phải tuân theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Những quy định này là cần thiết nhưng lại dễ gây tâm lý bức xúc đối với người dân trong vấn đề kiểm soát giấy tờ và giao thông đi lại.

Để giải quyết các phát sinh trong vấn đề này, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tây Ninh (các tỉnh giáp ranh với thành phố) tổ chức lại phương thức sản xuất đối với công ty, nhà máy, xí nghiệp đóng tại mỗi địa phương nhằm hạn chế nhu cầu đi lại, tổ chức đưa đón tập trung cũng như điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất các phân xưởng đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Đồng thời, thành phố tổ chức các giải pháp linh hoạt trong quá trình hoạt động tại các chốt, trạm phòng chống dịch COVID-19 để hạn chế ùn tắc giao thông, tổ chức phân luồng tạo làn riêng (làn xanh) và ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy nhận diện.

Giải quyết các vấn đề trong khu vực nội đô, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi thành phố do nhu cầu thật sự cần thiết.

Công an thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định đối với các trường hợp lưu thông trên đường mà không có lý do chính đáng cũng như có giải pháp linh hoạt để hạn chế ùn tắc giao thông, tập trung đông người; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức phân luồng tạo làn riêng (luồng xanh) và được ưu tiên kiểm tra nhanh đối với các phương tiện đã được Sở Giao thông Vận tải cấp giấy nhận diện.

Trên địa bàn quận Gò Vấp, trong 2 ngày đầu (9-10/7) thực hiện Chỉ thị 16, tình trạng kẹt xe cục bộ tại các chốt kiểm soát ra vào quận lại tái diễn như tại chốt kiểm soát giao thông cầu Trường Đai, giáp ranh với quận 12 và tuyến đường Nguyễn Kiệm. Hàng nghìn phương tiện phải xếp hàng dài để được kiểm soát qua trạm, không những ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt, làm việc mà còn gây nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Điều này khiến dư luận băn khoăn việc thực hiện thế nào cho thật sự hiệu quả, phù hợp với thực tế sinh hoạt, đi lại chính đáng của người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 và các chỉ đạo liên quan của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, để tránh lặp lại tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm trong những ngày tiếp theo, quận Gò Vấp sẽ bố trí lại vị trí đặt trạm phù hợp hơn và tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân lựa chọn các tuyến đường khác để lưu thông. Việc đặt trạm, kiểm soát giấy tờ vẫn phải thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16 và các chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Chính quyền quận Gò Vấp mong muốn người dân chia sẻ, hạn chế tối đa việc khỏi nhà khi không cần thiết và có những lộ trình di chuyển thay thế khác.

Còn theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc này, biện pháp căn cơ để hạn chế người dân đi lại, trước hết cần ý thức của người dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định về giãn cách.

Nâng cao ý thức chấp hành giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1 khá vắng vẻ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Cùng với đó, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần tăng cường kiểm tra số lượng người đi làm và tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh có đúng với quy định hay không.

Gò Vấp là địa bàn giáp ranh với nhiều quận, có mật độ dân số đông đúc bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người dân, đặc biệt ở địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên “mượn” nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp để rút ngắn thời gian và quãng đường di chuyển về trung tâm thành phố hoặc qua các địa bàn khác, gây áp lực giao thông đặc biệt là tại các chốt trạm kiểm soát dịch COVID-19.

Trên thực tế, người dân có nhiều lựa chọn lộ trình di chuyển khác, không nhất thiết phải qua quận Gò Vấp để đến cơ quan, đơn vị, công ty làm việc mà vẫn đảm bảo toàn phòng, chống dịch bệnh, không gây áp lực, căng thẳng đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các chốt trạm.

Ghi nhận những kết quả ban đầu của thành phố khi thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đồng tình với các biện pháp mà Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai và yêu cầu thành phố tiếp tục thực hiện với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành phố không dao động, giữ vững nguyên tắc đoàn kết, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ tập thể; căn cứ vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy đó làm thước đo, vừa làm vừa bổ sung, không cầu toàn, không nóng vội, có kế thừa ổn định, đổi mới, có phát triển. Các biện pháp đã và đang tiến hành không được cực đoan, phiến diện gắn với việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm.

Như vậy, có thể thấy Chỉ thị số 16 cùng với nhiều giải pháp khác sẽ là chìa khóa để thành phố có thể sớm kiềm chế, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, sớm lập lại trạng thái bình thường mới. Vì thế các giải pháp thực hiện phải thực sự quyết liệt, kiên quyết, giữ vững mục tiêu lâu dài, chấp nhận trước mắt việc ảnh hưởng đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh tế.

Thời gian 15 ngày giãn cách không nhiều trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm mới. Các tuyến đầu chống dịch và cả hệ thống chính quyền đang vất vả truy tìm, khoanh vùng, dập dịch nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho thành phố.

Vì thế, hơn bao giờ hết vào lúc này, ý thức chấp hành của người dân về thực hiện giãn cách xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, sẽ là nhân tố quyết định để cùng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, lập lại trạng thái bình thường mới, có như vậy mới ổn định và phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục