Nâng cấp mở rộng mạng lưới giao thông vùng Mekong

Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mekong, khởi công sáng 25/6, ở Thanh Hóa, với tổng đầu tư giai đoạn 1 gần 10 triệu USD.
Sáng 25/6, tại xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giao thông-Vận tải, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức khởi công Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mekong mở rộng (GSM) phía Bắc lần thứ 2 - nâng cấp mở rộng Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất.

Quy mô dự án: Nâng cấp Quốc lộ 217 đoạn KM 107+200 (giao với Quốc lộ15) - KM195+ 400 (cửa khẩu Na Mèo) dài 88km đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi; xây dựng 2 tuyến tránh thị trấn Cẩm Thủy; sửa chữa mặt đường bị hư hỏng trên đoạn Km0+00 - Km104+900. Dự án đi qua các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 triệu USD.

Dự án nằm trong chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng đã được lãnh đạo các nước thuộc Tiểu vùng thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 7/2005; trong đó, vai trò của một hệ thống giao thông kết nối xuyên biên giới đối với việc phát triển kinh tế các nước trong Tiểu vùng được đặc biệt quan tâm.

Tuyến đường Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) nối với các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B tỉnh Huaphanh (Lào), với các tỉnh Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Nội và Thanh Hóa (Việt Nam); Luang Prabang (Lào) và Bangkok (Thái Lan) thuộc hành lang Đông Bắc và là một trong những hành lang được xác định chiến lược ngành giao thông vận tải các nước thuộc Tiểu vùng Mekong. Đặc biệt kết nối vùng Đông Bắc Lào với Bắc Việt Nam và nối ra cảng biển Nghi Sơn tại Thanh Hóa được nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian đi lại.

Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mekong mở rộng phía Bắc sẽ nâng cấp và cải tạo 195km Quốc lộ 217 và nâng cấp 100km đường nông thôn. Các dự án này khi được triển khai xây dựng sẽ giúp cải tạo hệ thống giao thông, bao gồm việc xây dựng lại các đoạn đường bị hư hại nghiêm trọng; đồng thời thay thế những cây cầu yếu và các công trình thoát nước kém chất lượng, giảm ảnh hưởng của lũ lụt sẽ nối thông tuyến biên giới với nước bạn Lào và các nước phía Bắc Tiểu vùng Mekong mở rộng, tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế cho một khu vực rộng lớn thuộc hành lang Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), đồng thời góp phần xóa đói, giảm nghèo cho khu vực miền núi của Thanh Hóa…

Theo Ban Quản lý dự án 1, mục tiêu lớn nhất của các công trình này là xóa đói giảm nghèo thông qua việc giảm chi phí và tăng tính an toàn của giao thông đường bộ đối với dân cư các khu vực trung tâm và khu vực phát triển chính. Dự án sẽ cải thiện khả năng kết nối trong vùng, cung cấp các đường liên kết giữa Thái Lan, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Dự án sẽ mang lại lợi ích cho khoảng hơn 1 triệu người dân dọc theo tuyến đường và hơn 200.000 người phía nước bạn Lào, đa phần đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, có điều kiện sống rất khó khăn. Điều này sẽ tạo nên các khu vực phát triển tiềm năng thu hút các nhà đầu tư hơn cũng như tăng thương mại và hợp tác trong và ngoài vùng./.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục