Nâng khả năng dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan

Có ý kiến cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác dự báo thiên tai nguy hiểm, cần thực hiện đổi mới công nghệ một cách đồng bộ.
Nhân Ngày truyền thống phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (22/5), ngày 21/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.”

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh biến đổi khí hậu, thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gia tăng về cường độ và tần suất, điển hình như bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng về cường độ và trái quy luật; lũ lụt, lũ quét gia tăng về tần suất và phạm vi ảnh hưởng; hạn hán kéo dài; ngoài ra còn có các hiện tượng như mưa lớn, dông, mưa đá... Do đó, việc dự báo, cảnh báo trước hiện tượng cực đoan có nguồn gốc khí tượng thủy văn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, tránh thiên tai.

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo và dự báo thiên tai nguy hiểm cần thực hiện đổi mới công nghệ một cách đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa và hiện đại hóa, nâng cao năng lực các dự báo viên. Đặc biệt, công tác truyền thông thông tin dự báo đến cộng đồng, tuyên truyền các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai... cần được tăng cường.

Đối với vấn đề dự báo và cảnh bảo, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đánh giá có thể sử dụng các thông tin ảnh vệ tinh đang có hiện nay để phân tích, cảnh báo và dự báo cực ngắn các hiện tượng mưa, dông, tố, lốc... Các hiện tượng dông mạnh, mưa lớn... quy mô cỡ vừa (100-200km) trở lên đều được xác định trên ảnh. Tuy nhiên, việc xác định khu vực sẽ xảy ra tố, lốc mạnh hoặc mưa đá rất khó nên các lực lượng chuyên môn chỉ có thể đưa ra nhận định, cảnh báo.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đưa ra phương án khắc phục như tăng tần suất số liệu ảnh để có thể theo dõi được hết các hiện tượng; phối hợp với các loại số liệu khác để dự báo; tăng cường các nghiên cứu nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các loại ảnh hiện có; tăng cường thông tin quan trắc bề mặt và mưa tự động để đối chiếu, kiểm chứng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sự, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã giới thiệu về công tác cảnh báo và dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm của một số nước trên thế giới.

Ông Lưu Minh Hải, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Lào Cai cũng trình bày tham luận về thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, gây khó khăn cho công tác dự báo khí tượng-thủy văn.../.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục