Nâng kỹ năng cho phóng viên viết hệ sinh thái biển

Hội thảo tập huấn "Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển," tổ chức ngày 27/3, tại Đà Nằng, nhằm nâng cao kỹ năng cho phóng viên.
Hội thảo tập huấn báo chí "Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển," tổ chức ngày 27/3, tại Đà Nằng, nhằm cung cấp thêm thông tin về hệ sinh thái vùng bờ biển; đồng thời nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các phóng viên.

Hội thảo do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường (CETAC), Tổng Cục Môi trường (VEA) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã giới thiệu về biển và hệ sinh thái ven biển tại Việt Nam; khái niệm cơ bản, các vấn đề và các thách thức; tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Điều phối viên của các Dự án giải thích các định nghĩa về truyền thông môi trường; các nghiên cứu trước đây và hiện nay; các vấn đề kỹ thuật quan sát; các lợi ích; kỹ thuật viết bài sâu và phóng sự về các vấn đề môi trường...

Trong thời gian tập huấn, đại biểu tham quan thực địa tại Đầm Lập An ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu bảo tốn biển Cù Lao Chàm thuộc tỉnh Quảng Nam. Các phóng viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với chính quyền địa phương và người dân để tìm hiểu về công tác bảo tồn, trồng mới rừng ngập mặn, các mâu thuẫn trong quy hoạch tại Đầm Lập An và vai trò của việc thành lập khu bảo tàng biển tác động đến sinh kế của người dân địa phương ở khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm...

Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nguy cơ sóng thần. Bên cạnh đó, những tác động khác ở vùng bờ biển đang ngày càng diễn ra phức tạp như tăng xâm nhập mặn, thay đổi điều kiện sinh thái, tài nguyên nước ngầm ngọt ven biển bị cạn kiệt, cuộc sống của người dân ven biển và trên các đảo nhỏ ven bờ bị ảnh hưởng...

Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển được xem là các giải pháp hữu hiệu và lâu dài. Đây cũng chính là đầu tư cho hạ tầng cơ sở và cho tương lai của vùng bờ.

Tại Việt Nam, sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) đang được thực hiện dưới sự điều phối của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam với tài trợ chủ yếu từ Cơ quan Phát triển Nauy (Norad) và Cơ quan phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA).

Với thông điệp "Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển," MFF chọn rừng ngập mặn là hệ sinh thái tiêu biểu do nhận thức được rõ vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong việc giảm mức độ tàn phá của sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004 và những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sinh kế ven biển do mất và suy thoái rừng ngập mặn. Tuy nhiên, MFF cũng hướng tới các hệ sinh thái ven biển khác bao gồm các rạn san hô, cửa sông, đầm phá, đất ngập nước, bãi biển và thảm cỏ biển...

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam, bắt đầu từ hoạt động hỗ trợ Chính phủ chuẩn bị chiến lược Bảo tồn quốc gia năm 1984. Kể từ đó, IUCN đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, chủ yếu thông qua việc hỗ trợ xây dựng Luật và chính sách như Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học Quốc gia (1995), Quy hoạch Phát triển bền vững và Môi trường quốc gia (1991- 2000), Luật Lâm nghiệp (2004), Luật Môi trường (2005) và Luật Đa dạng Sinh học (2009).

Trong thời gian qua, IUCN tập trung hỗ trợ xây dựng chính sách, hiện tại IUCN đang tăng cường hỗ trợ thực hiện chính sách./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục