Năng lượng hạt nhân - lựa chọn của ASEAN trong tương lai?

Trong báo cáo Viễn cảnh Năng lượng của khu vực Đông Nam Á năm 2017, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu rõ nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 60% vào năm 2040.
Năng lượng hạt nhân - lựa chọn của ASEAN trong tương lai? ảnh 1(Nguồn: Singapore Institute of International Affairs)

Mới đây, trang mạng ASEAN Post đăng bài viết có tựa đề “Chúng ta sẽ được thấy năng lượng hạt nhân tại các quốc gia Đông Nam Á?”

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong thập kỷ qua, châu Á nổi lên như một thị trường bùng nổ về năng lượng hạt nhân. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hơn 50% số nhà máy điện hạt nhân của thế giới đang được xây dựng là nằm ở châu Á. Tuy nhiên, 40% trong số đó là ở Trung Quốc, còn lại 60% nằm rải rác ở các nước khác thuộc châu lục này.

Việc các quốc gia ở châu Á ngày càng quan tâm đến năng lượng hạt nhân là bắt nguồn từ thực tế hầu hết các nền kinh tế ở châu lục này đang phát triển mạnh mẽ, khiến cho nhu cầu năng lượng tăng cao hơn bao giờ hết.

Tại Đông Nam Á, một số nước đã bắt đầu "để mắt" đến năng lượng hạt nhân trong bối cảnh họ đang phải tìm kiếm các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng.

Trong báo cáo Viễn cảnh Năng lượng của khu vực Đông Nam Á năm 2017, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu rõ nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 60% vào năm 2040.

Tháng 4/2018, Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) đã công bố “Nghiên cứu tiền khả thi về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại ASEAN” với sự hỗ trợ của chính phủ Canada trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ Hạt nhân và Phóng xạ (NRPAS), trong đó cho biết 5 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines được coi là những quốc gia đi đầu trong quá trình phát triển chương trình điện hạt nhân dân sự ở khu vực Đông Nam Á bởi họ đã đề ra các khung pháp lý tiên tiến, sở hữu các cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân và nguồn nhân lực cần thiết.

Nghiên cứu của ACE cũng dự báo đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân dân sự đầu tiên và có thể vào năm 2035 sẽ có thêm 2 nhà máy nữa.

Thời gian qua, một số quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á đã tỏ ra quan tâm đến việc giúp các nước thành viên ASEAN phát triển các chương trình năng lượng hạt nhân.

Gần đây nhất, Nga đã hối thúc Philippines cân nhắc việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không phản đối ý tưởng này vì chính ông cũng đang tìm kiếm các biện pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Philippines.

Theo nhiều nguồn tin, 20 chuyên gia thuộc Tổng Công ty Năng lượng nguyên tử Nga (ROSATOM) mới đây đã đến Philippines để thị sát nhà máy điện hạt nhân Bataan, vốn lâu nay không hoạt động nằm ở ngoại ô thủ đô Manila. Các chuyên gia đánh giá rằng nhà máy Bataan có thể vận hành trở lại nhưng cần phải tu sửa nhiều, có thể mất tới khoản kinh phí 3-4 tỷ USD.

Ngoài Philippines, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan cũng rất quan tâm đến việc phát triển năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Campuchia và Thái Lan để phát triển các nhà máy điện hạt nhân tại 2 quốc gia này.

[Nhật Bản sẽ tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng cũ]

Hiện giờ, khu vực chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào liên quan đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây cho thấy có khả năng trong tương lai, các nhà máy điện hạt nhân sẽ xuất hiện trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, việc thuyết phục công chúng ủng hộ các dự án điện hạt nhân không phải là điều dễ dàng. Năng lượng hạt nhân có thể không gây hiệu ứng nhà kính, song các vụ tai nạn hạt nhân có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho môi trường.

Vụ Fukushima và Chernobyl là những ví dụ điển hình. Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, các nước thành viên ASEAN phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Mặc dù các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Nga có thể sẵn sàng hỗ trợ khu vực Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, song các nước ASEAN không nên để bị gây áp lực phải tuân thủ các tham vọng địa chính trị của các cường quốc hạt nhân này.

Các chuyên gia năng lượng khuyến cáo, nếu đến một ngày nào đó, các quốc gia Đông Nam Á quyết định phát triển chương trình năng lượng hạt nhân, họ phải đề ra các kế hoạch phát triển của riêng mình. Có lẽ, trước khi quyết định lựa chọn nguồn năng lượng hạt nhân, các quốc gia ASEAN nên khai thác các nguồn năng lượng có thể tái tạo mà họ có trước đã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục