Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Năng lượng tái tạo - nguồn tiềm năng còn bỏ ngỏ

Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác nguồn năng lượng tái tạo nhưng việc phát triển nguồn năng lượng này chỉ ở mức nghiên cứu.
Với nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng khoảng 17%/năm trong khi nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu khí, thủy năng sắp cạn kiệt thì việc phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai đã được các chuyên gia trong ngành tính đến.

Tiềm năng lớn

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam Tô Bảo Thạch, nhiều nước trên thế giới đã đưa việc sử dụng năng lượng tái tạo trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, thì Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu do "lực bất tòng tâm".

Các đánh giá ban đầu đều cho thấy, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển và phát triển mạnh các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện, năng lượng sinh khối và khí sinh học.

Về bức xạ mặt trời, Việt Nam có đến 2000 đến 2500 giờ nắng/năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/năm. Đó là một nguồn năng lượng khá dồi dào mà không phải ở đâu cũng có được.

Về gió, khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Về điện địa nhiệt có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng ở Tây Bắc và Trung bộ. Người ta dự tính đến năm 2025 sẽ sản xuất ra được 200-400 MW điện.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới giàu tiềm năng thủy điện nhất. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện lớn và nhỏ và còn có thể xây dựng ở nhiều điểm khác nữa.

Kỹ sư Tô Bảo Thạch cho biết, định hướng của ngành năng lượng Việt Nam là ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo và sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong đời sống xã hội và trong quá trình sản xuất điện năng, góp phần đa dạng hóa nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, do nguồn năng lượng truyền thống là than, dầu, khí... sắp cạn kiệt, nguồn cung cấp biến động về giá cả, chịu ảnh hưởng của chính trị và việc sử dụng chúng làm phát thải khí nhà kính, gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng việc khai thác năng lượng tái tạo còn hạn chế do giá thành rất cao, gấp khoảng 10-15 lần đầu tư cho phát điện truyền thống. Các chuyên gia năng lượng phân tích rằng, vì trong giá thành điện năng từ gió và mặt trời không có yếu tố nhiên liệu nên thành phần chính là giá thiết bị. Đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Đi từ nhỏ đến lớn

Để giải quyết bài toán về giá thành, các chuyên gia cho rằng cần phải có bước đi từ nhỏ đến lớn trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trước mắt cần xác định việc ứng dụng năng lượng gió và mặt trời tại Việt Nam là giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí, thủy năng đã có dấu hiện cạn kiệt, không thể đáp ứng lâu dài.

Như vậy, không nhất thiết phải xây dựng các nhà máy điện gió tập trung công suất lớn hoặc các hệ thống quang điện mặt trời vài chục kW trở lên khá tốn kém. Điện gió và nắng mặt trời cần được khuyến khích phát triển dưới hình thức phân tán là chủ yếu, dùng vào giải quyết nhu cầu điện ánh sáng và điện sinh hoạt, sản xuất nhỏ tại chỗ ở nông thôn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần đi từ nhỏ đến lớn, từ thí điểm đến mở diện rộng mà không cần áp dụng y nguyên mô hình của nước ngoài ngay từ những bước đi ban đầu với những dự án lớn đã thấy có nhiều rủi ro.

Mục tiêu cần xác định cho việc ứng dụng năng lượng gió và ánh nắng mặt trời tại Việt Nam trước tiên là giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn năng lượng sơ cấp than, dầu khí, thủy năng đã có dấu hiệu cạn kiệt không thể đáp ứng lâu dài.

Trước mắt, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc chiếu sáng cầu đường quốc lộ và đô thị bằng các cột đèn tự chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời và tuabin phong điện nhỏ 300-400W.

Theo quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu điện với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008-2015 là 17%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 9-12%/năm, trong khi Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo song cho tới nay nguồn này chỉ chiếm 1% tổng công suất điện cả nước (khoảng 12.000MW).

Tuy nhiên, so với các nước, đến nay Việt Nam chưa có chiến lược tổng thể về vấn đề này. Mới đây, Bộ Công Thương soạn thảo chính sách phát triển năng lượng tái tạo để trình Chính phủ, dự kiến đến năm 2010 Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo khoảng 3% tổng công suất điện và 6% vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục