"Nắng mới" trong quan hệ hai miền Triều Tiên

Sau gần hai năm căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng đã tiến đến "bờ vực chiến tranh", quan hệ giữa hai miền Triều Tiên gần đây đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực.
Sau gần hai năm căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng đã tiến đến "bờ vực chiến tranh", quan hệ giữa hai miền Triều Tiên gần đây đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực, mở ra triển vọng cho việc khôi phục các hoạt động hợp tác và đàm phán hòa giải giữa hai bên.

"Tia nắng" đầu tiên giúp làm "tan băng" quan hệ liên Triều phải kể đến quyết định trả tự do cho một nhân viên Hàn Quốc làm việc cho Công ty Hyundai Asan ở khu công nghiệp chung Keaseong- người bị bắt giữ từ cuối tháng Ba vừa qua với cáo buộc bôi nhọ chính quyền Triều Tiên.

Tiếp đó, Bình Nhưỡng đồng ý mở lại cửa biên giới với Hàn Quốc, khôi phục các hoạt động du lịch và hoạt động của tuyến đường sắt liên Triều, nối lại tiến trình đoàn tụ các gia đình ly tán và tạo thuận lợi cho hoạt động của khu công nghiệp Keaseong.

Trên thực tế, thái độ mềm dẻo "bất ngờ" của Triều Tiên không phải ngẫu nhiên được đưa ra, mà xuất hiện sau khi Hàn Quốc phát đi tín hiệu sẵn sàng thay đổi lập trường chính sách với Bình Nhưỡng, thông qua đề xuất vừa được Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra trong bài diễn văn nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng bán đảo Triều Tiên (15/8/1945 - 15/8/2009).

Vị Tổng thống vốn nổi tiếng có lập trường cứng rắn của Hàn Quốc đã tuyên bố "Chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng thảo luận và phối hợp với Triều Tiên trong bất cứ vấn đề nào liên quan mối quan hệ song phương vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ cấp nào".

Ông Lee Myung-bak kêu gọi hai miền giải trừ vũ khí thông thường để tập trung đầu tư cho các hoạt động hợp tác, đặc biệt là những dự án kinh tế ở khu công nghiệp chung Keaseong, đồng thời tái khẳng định Hàn Quốc sẽ tăng cường trợ giúp kinh tế cho Triều Tiên nếu nước này thể hiện quyết tâm từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách có kiểm chứng.

Ông Lee Myung-bak cũng tỏ ra khá "dịu giọng" khi đề cập chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng khi chỉ tập trung phân tích "mặt trái" của vũ khí hạt nhân chứ không chỉ trích quyết liệt như trước đây.

Theo giới quan sát, những phát biểu trên là sự chuyển biến rõ rệt được ông Lee Myung-bak đề cập công khai lần đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc với những tuyên bố đây cứng rắn cách đây gần hai năm. Khi đó, ông Lee Myung-bak đã kiên quyết gắn vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với chính sách viện trợ cũng như mọi hoạt động hợp tác liên Triều - đã là lý do chính khiến Bình Nhưỡng phản ứng bằng hàng loạt động thái mang tính "chiến tranh lạnh".

Cũng chính sự điều chỉnh này là một trong những yếu tố giúp cho chuyến thương lượng kéo dài gần 10 ngày của Chủ tịch tập đoàn Hyundai, bà Hyun Jung-eun, với giới chức Triều Tiên gặt hái được thành công.

Phóng viên TTXVN tại Seoul đánh giá rằng trong bối cảnh như trên, sự ra đi của cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, người được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chính sách "Ánh dương" và là người đã dành cả đời nỗ lực không mệt mỏi vì hòa bình và hòa giải dân tộc trên bán đảo Triều Tiên, dường như đã mở ra một cơ hội mới để nối lại đối thoại giữa hai miền.

Sau sự kiện này, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức được cuộc gặp chính thức cấp cao đầu tiên trong suốt gần 2 năm qua. Ngoài ra, phái đoàn do Bí thư trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam dẫn đầu cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Những động thái này được đánh giá là phản ảnh sự "tan băng" đáng kể trong quan hệ liên Triều. Tại các cuộc gặp, hai bên đã khẳng định lập trường sẵn sàng đối thoại cũng như mong muốn củng cố và cải thiện mối quan hệ song phương.

Những "tia nắng mới" liên tiếp chiếu rọi khiến dư luận tại chỗ hy vọng nhiều về khả năng trở lại của chính sách "Ánh dương". Nhiều tờ báo Hàn Quốc thậm chí đã đề cập về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai gần.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, mặc dù đã có những "bước khai thông đầu tiên" giúp cải thiện quan hệ liên Triều, song cả hai bên cần phải có nhiều thời gian và nỗ lực mới để thiết lập những "điều kiện cần và đủ", tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ vốn đang tồn tại rất nhiều bất đồng và nghi ngờ sau một thời gian dài căng thẳng.

Nói như lời của Trưởng đoàn Triều Tiên Kim Ki-nam, một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân hóa chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở "xóa bỏ những hận thù trong Chiến tranh Lạnh, bỏ qua những căng thẳng trong quá khứ và cùng bắt đầu một nỗ lực mới"./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục