Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề cần cải thiện để phát triển bền vững.
 
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.”

Nghiên cứu của CIEM tập trung vào ba ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, may mặc, hàng điện tử.

Báo cáo cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề cần được cải thiện để các doanh nghiệp này phát triển bền vững.

Theo CIEM, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo được nhiều việc làm hơn so với doanh nghiệp không xuất khẩu cùng ngành. Cụ thể số lao động trung bình năm 2009 của một doanh nghiệp xuất khẩu may mặc cao gấp 3,3 lần doanh nghiệp không xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cao gấp 3,4 lần, còn ngành may mặc cao gấp 4,5 lần.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho biết, mức độ đa dạng hóa thị trường và sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu thấp. Cụ thể, ngành thủy sản chế biến mặc dù có tốc độ tăng nhanh theo thời gian nhưng tỷ trọng xuất khẩu còn thấp, chủ yếu tập trung ở hàng đông lạnh sơ chế. Mức độ đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn nhưng đa dạng hóa thị trường là thấp hơn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng điện tử chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do vậy các doanh nghiệp điện tử trong nước khó có thể cạnh tranh được do hạn chế về vốn.

Báo cáo CIEM cho thấy, bên cạnh những yếu tố hạn chế nội tại của doanh nghiệp xuất khẩu, còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu về chính sách và các yếu tố bên ngoài. Về chính sách thuế nhìn chung vẫn còn cao, thủ tục hoàn thuế còn tốn nhiều thời gian. Thủ tục hải quan được đánh giá là có khá nhiều cải thiện nhưng chỉ có 69% tiếp cận hải quan điện tử, thiếu phối hợp giữa hải quan và thuế. Tuy nhiên, việc nới lỏng tỷ giá đã có tác động tích cực tới doanh thu nhưng chỉ với doanh nghiệp ít nhập khẩu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, theo tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, trước mắt, cần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục thuế và hải quan, bởi có tới 72% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết cần giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất, 71% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ đào tạo nguồn lao động.

Nhóm nghiên cứu đưa ra ba nội dung định hướng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu là tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng năng suất; Nhà nước cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển các sản phẩm xuất khẩu mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao hơn. Cùng với đó là cần có chính sách nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, nâng cao thị phần xuất khẩu đối với những mặt hàng chế biến, chế tác may mặc, thủy sản và điện tử mà Việt Nam vẫn còn lợi thế so sánh./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục