Nâng sức cạnh tranh cho ngành kỹ nghệ thực phẩm

Ngành kỹ nghệ thực phẩm mới chỉ duy trì thị phần trong nước. Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên trong giai đoạn tới.


Ngành kỹ nghệ thực phẩm bao gồm bánh kẹo, mì chính, mì ăn liền đang có nhiều tiềm năng to lớn về thị trường nhờ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Nhưng trong thời gian qua, ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam mới chỉ dừng ở việc duy trì thị phần trong nước.

Chính vì vậy, việc tạo được thương hiệu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế là mục tiêu chính đặt ra tại buổi Hội thảo lần 1 lấy ý kiến cho "Quy hoạch Phát triển Ngành kỹ nghệ thực phẩm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/8, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Công Nghiệp (Bộ Công Thương), tốc độ phát triển của ngành kỹ nghệ thực phẩm giai đoạn 2006-2010 đều ở mức xấp xỉ 16%; trong đó bánh kẹo cao nhất gần 30%, mì chính trên 10% và mì ăn liền cũng khoảng 10%/năm.

Về cơ cấu các mặt hàng cũng có bước thay đổi, báo cáo của Viện Chiến lược Công nghiệp cho thấy đã có sự dịch chuyển về tỷ trọng giữa các mặt hàng, cụ thể, mì tôm năm 2005 chiếm tỷ trọng trên 40% nhưng 2011 giảm xuống còn 30%, bánh kẹo từ trên 20% vào 2005 đã vọt lên trên 40% vào năm 2011.

Theo dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành bánh kẹo trong giai đoạn 2011-2014 khoảng 8-10%/năm và đến năm 2020, năng lực sản xuất bánh kẹo trong nước có thể đủ để xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Hùng cho hay, thách thức không nhỏ là năng lực cạnh tranh của ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam vẫn chủ yếu tại thị trường nội địa, trong khi xuất khẩu chỉ tập trung vào số ít sản phẩm. Đơn cử như mặt hàng mì chính, năm 2012 xuất khẩu được khoảng 100 triệu USD, đây là con số rất nhỏ so với tiềm năng của ngành kỹ nghệ thực phẩm quốc tế và khu vực châu Á.

Do vậy, theo đại diện Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, để có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành kỹ nghệ thực phẩm đến 2020 trên 14%%; trong đó bánh kẹo trên 18% và mì chính trên 16%... và dự kiến năm 2030 toàn ngành sẽ xuất khẩu được khoảng 1 tỷ USD thì phải có chiến lược rõ ràng.

Cụ thể là tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đổi mới dây chuyền công nghệ và xây dựng tốt thương hiệu...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, mặc dù ngành kỹ nghệ thực phẩm thời gian qua đã có khởi sắc, mẫu mã đẹp hơn và giá cả cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh so với thế giới còn khiêm tốn.

Đáng lưu ý là công nghệ và trình độ nhân lực của ngành kỹ nghệ thực phẩm so với thế giới vẫn chưa cao. Do vậy, việc quy hoạch ngành kỹ nghệ thực phẩm giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030 cần có sự định hướng đối với từng nhóm hàng, lĩnh vực và phân khúc thị trường; trong đó phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng địa phương để xây dựng được các thương hiệu mạnh.

Để tạo điều kiện cho ngành kỹ nghệ thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, các bộ ngành sẽ tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp; trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ,…

"Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước ngày càng khắt khe và yêu cầu cao...  thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải được định hướng phát triển rõ ràng," Thứ trưởng Kim Thoa nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục