Nâng trách nhiệm tổ chức, cá nhân về phòng chữa cháy

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến của dự án luật sửa đổi, bổ sung của Luật phòng cháy, chữa cháy.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy.

Đối với quy định về trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, chủ hộ gia đình trong phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đồng tình với việc bỏ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình phải bồi thường khi để xảy ra cháy cho tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lại cho rằng quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức cá nhân là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Theo đại biểu, trong thực tiễn có rất nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản, thậm chí là tính mạng người dân chưa được xử lý nghiêm. Dù trong luật hiện hành đã có quy định về xử lý sai phạm nhưng khi áp dụng vào thực tiễn rất khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra cháy nổ dẫn đến lúng túng trong việc xử lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định rõ trách nhiệm để có tác dụng răn đe.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Anh Sơn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng mỗi cá nhân đều phải chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời quy định của luật cần tính tới việc ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu để ra cháy. Có như vậy vừa có tính răn đe, tuyên truyền giáo dục nhưng cũng nhằm nâng cao ý thức của mỗi người trong việc phòng cháy, chữa cháy.

Đa số các đại biểu thể hiện sự tán thành đối với quy định chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp khắc phục kịp thời; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ...

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định "chủ hộ gia đình phải có trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy; phát hiện cháy, báo cháy, tham gia chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy" là không khả thi.

Đại biểu nêu rõ hiện nay có nhiều hộ gia đình có khả năng trang bị được phương tiện chữa cháy nhưng cũng có hộ dân ngay cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng chưa đầy đủ thì rất khó trang bị các phương tiện chữa cháy. Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này để bảo đảm tính khả thi của luật.

Các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng cho rằng quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình như trong dự án luật là quá chi tiết, khó khả thi trong cuộc sống.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, hiện nay trong một nhà có rất nhiều hộ gia đình cùng sống hoặc nhiều gia đình còn cho thuê, buôn bán nên rất khó cho việc thực hiện, kiểm tra. Đại biểu kiến nghị cần quy định trong đầu tư xây dựng, chủ hộ phải có trách nhiệm trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị luật chỉ nên quy định trách nhiệm của hộ gia đình trong phòng cháy chữa cháy chứ không nên quy định là chủ hộ gia đình bởi trách nhiệm này thuộc về tất cả các thành viên trong gia đình chứ không riêng chủ hộ.

Đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy trong các khu nhà ở cao tầng, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thể hiện sự băn khoăn về hệ thống báo cháy, chữa cháy và hệ thống ga nguyên liệu cung cấp cho các gia đình.

Đại biểu nhấn mạnh: dự án luật cần có quy định chặt chẽ về hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với công trình, phải được kiểm định trước khi lắp đặt; đồng thời, đối với các thiết bị báo cháy nên khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tại chỗ như hệ thống phun nước tự động, cung cấp oxi... để giảm thiểu thiệt hại về người. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu thêm các giải pháp phòng cháy chữa cháy như kinh nghiệm của các nước tiên tiến để học tập, ứng dụng cho phù hợp với Việt Nam...

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về tổ chức lực lượng và chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy; phòng ngừa cháy, nổ đối với vật tư, hàng hóa.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục