NASA: Nước tồn tại trên Sao Hỏa từ 2 tỷ năm trước

Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nước có thể đã tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa sớm hơn 1 tỷ năm so với dự đoán của các nhà khoa học, tức là khoảng 2 tỷ năm trước đây.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nước có thể đã tồn tại trên bề mặt Sao Hỏa sớm hơn 1 tỷ năm so với dự đoán của các nhà khoa học, tức là khoảng 2 tỷ năm trước đây.

Ông Scott Murchie, trưởng bộ phận nghiên cứu bằng quang phổ kế thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết việc phát hiện khoáng chất opal cho thấy nước có thể tồn tại trên bề mặt Sao Hoả từ cách đây 2 tỷ năm.

Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học quan sát các mẫu khoáng chất mới được tìm thấy trên bề mặt rộng lớn của hành tinh này từ con tàu vũ trụ thăm dò Sao Hoả của Mỹ.

Qua phân tích dữ liệu từ các hình ảnh do tàu vũ trụ gửi về, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng về hợp chất hydrated silica, thường được biết đến là khoáng chất opal. Các lớp trầm tích của khoáng chất có chứa nước này là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước xuất hiện khi nào và ở đâu trên bề mặt Hành tinh Đỏ.

Cho đến nay, tàu thăm dò Sao Hỏa mới chỉ quan sát hai nhóm chính của khoáng chất có chứa nước trên hành tinh thứ tư gần Mặt Trời của Thái dương hệ, là hợp chất silicat dạng lá và chất hydrate sulfates.

Theo các nhà khoa học, hợp chất opal silicat được phát hiện muộn nhất trong 3 loại khoáng chất có chứa nước, hình thành ở những nơi nước đã làm thay đổi các hợp chất do hoạt động của núi lửa hoặc do các thiên thạch va chạm với bề mặt Hành tinh Đỏ.

Dự kiến, toàn bộ nghiên cứu trên sẽ được đăng trên tạp chí "Địa chất" của Mỹ vào tháng 11./.

(TTXVN)


 

Tin cùng chuyên mục