NATO đạt nhiều thỏa thuận quan trọng

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các thành phố Baden, Kehl của Đức và thành phố Strasbourg của Pháp đã kết thúc với nhiều thỏa thuận quan trọng.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại các thành phố Baden, Kehl của Đức và thành phố Strasbourg của Pháp đã kết thúc với nhiều thỏa thuận quan trọng.

Sau hai ngày tranh luận (3 - 4/4), lãnh đạo 28 nước thành viên NATO đã nhất trí bầu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng Thư ký mới của tổ chức này, thay ông Jaap de Hoop Scheffer kết thúc nhiệm kỳ tháng 7 tới. Ông Rasmussen là vị Tổng Thư ký thứ 12 của NATO và là người Đan Mạch đầu tiên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong lịch sử 60 năm hoạt động của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ - nước Hồi giáo duy nhất trong NATO - đã phản đối quyết định trên do lo ngại việc bổ nhiệm ông Rasmussen có thể làm gia tăng thái độ thù địch đối với người phương Tây ở các nước Hồi giáo.

Theo "Tuyên bố về An ninh Liên minh", Tổng Thư ký mới Rasmussen sẽ chỉ đạo một nhóm cố vấn đặc biệt biên soạn lại một Khái niệm Chiến lược mới. Văn kiện mang tính định hướng mọi hoạt động của NATO này dự kiến sẽ được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh lần tới ở Lisbon (Bồ Đào Nha) năm 2010. Khái niệm Chiến lược hiện nay của NATO, ban hành vào năm 1999, được cho là đã lỗi thời trước những mối đe dọa mới như tin tặc, khủng bố, cướp biển, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Barak Obama đã giành thắng lợi quan trọng trong lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, khi chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan nhận được sự nhất trí ủng hộ mạnh mẽ. Nhà Trắng thông báo các đồng minh của Mỹ trong NATO ngày 4/4 đã cam kết tăng thêm 5.000 quân cùng các trang thiết bị quân sự, y tế và ngân quỹ hơn 600 triệu USD cho Afghanistan. Số quân tăng viện sẽ giúp huấn luyện lực lượng Cảnh sát Quốc gia Afghanistan và đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử vào tháng 8 tới ở nước này.

Trong cuộc họp báo ở Strasbourg, Tổng thống Mỹ tuyên bố ủng hộ tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu, cho rằng châu Âu càng có khả năng phòng thủ tốt thì Mỹ càng có điều kiện phối hợp đối phó với những thách thức chung. Ông Obama cảnh báo châu Âu dễ trở thành mục tiêu tấn công khủng bố do vị trí địa lý gần với sào huyệt của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO cũng nhất trí cải thiện mối quan hệ NATO - Nga vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" sau cuộc chiến tranh hồi năm ngoái ở Gruzia - nước đang được xem xét kết nạp vào khối này. Trong tuyên bố đưa ra tại hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO khẳng định mặc dù còn tồn tại một số bất đồng giữa hai bên, nhưng Nga hiện vẫn là láng giếng và đối tác quan trọng của NATO, đặc biệt khi nước này là điểm quá cảnh vận chuyển hàng hóa phi quân sự của NATO sang Afghanistan.

NATO đồng thời hối thúc Nga rút quân khỏi các khu vực ly khai của Gruzia là Nam Osstia và Abkhazia cũng như thực hiện các cam kết trong thỏa thuận ngừng bắn do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian hồi năm ngoái.

NATO cũng khẳng định chủ trương kết nạp Ukraina và Gruzia sau khi hai nước này đáp ứng các tiêu chuẩn của khối. Trong khuôn khổ các ủy ban NATO - Ukraina  và NATO - Gruzia, lãnh đạo khối này sẽ dành cho Ukraina và Gruzia "sự hỗ trợ toàn diện" nhằm tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO.

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập NATO (4/4/1949 - 2009) bị bóng đen biểu tình che phủ. Nhiều người biểu tình đã ném gạch đá, bom xăng vào cảnh sát chống bạo động, gây hỗn loạn tại các thành phố đăng cai hội nghị. Một số người biểu tình quá khích tìm cách đốt phá các khách sạn, cửa hàng và văn phòng du lịch ở gần Cầu Châu Âu - cây cầu dài 5km bắc qua sông Rhein nối liền Pháp và Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục