NATO "đóng băng" quan hệ với Nga chỉ mang tính tạm thời

Việc NATO "đóng băng" quan hệ với Nga chỉ mang tính chất tạm thời - một khoảng thời gian vừa đủ để khủng hoảng Ukraine có khả năng dịu bớt.
NATO "đóng băng" quan hệ với Nga chỉ mang tính tạm thời ảnh 1Quân đội Ukraine tham gia tập trận tại Desna, vùng Chernigiv ngày 2/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định "đóng băng" mọi quan hệ hợp tác về quân sự và dân sự với Liên bang Nga, đồng thời tăng cường sức mạnh của khối này tại khu vực biên giới phía Đông, liệu Mỹ và phương Tây có đẩy quan hệ NATO-Nga trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh?

Đây không phải là lần đầu tiên NATO đơn phương tuyên bố đình chỉ quan hệ với Liên bang Nga. Năm 2009, sau cuộc chiến năm ngày (8-12/8/2008) với việc Nga đưa lực lượng vào Nam Ossetia nhằm bảo vệ những người mang quốc tịch Nga và người gốc Nga trước cuộc tấn công trực tiếp của quân đội Gruzia, NATO cũng đã có quyết định tương tự. Những gì xảy ra tại Gruzia của gần năm năm trước lại tái hiện trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine hiện nay.

Các thành viên NATO không quan tâm tới nguồn gốc gây ra căng thẳng về vấn đề bán đảo Crimea, thay vào đó, họ chỉ chăm chăm bênh vực Chính phủ tạm quyền tại Ukraine, vốn được lập nên sau các cuộc biểu tình bạo loạn gây đổ máu trên đường phố.

Rõ ràng, lập trường của Nga và NATO về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện rất xa nhau. NATO cực lực phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea, gọi đó là hành động “xâm lược," còn Moskva thì cho rằng hành động của nước này là chính đáng và hoàn toàn hợp pháp.

Những diễn biến nhanh chóng tại Ukraine trong thời gian qua là hậu quả của mối quan hệ thiếu lòng tin giữa NATO và Nga. Sau khi Tổ chức "Hiệp ước Warsaw" giải thể và NATO cam kết không mở rộng sang phía Đông, nhưng Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary đã gia nhập NATO năm 1999, tiếp đến Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia và ba nước Baltic trở thành thành viên của tổ chức quân sự này vào năm 2004, Nga đã nhiều lần vạch rõ ý đồ của phương Tây trong việc đưa quân áp sát biên giới Nga.

Moskva cho rằng kế hoạch mở rộng ra phía Đông của NATO chính là tàn tích của thời Chiến tranh Lạnh. Nga không thể chấp nhận kế hoạch này trong khi NATO cũng không chịu từ bỏ chủ trương ủng hộ những nước nằm sát ngay biên giới Nga gồm Gruzia và Ukraine tham gia liên minh quân sự của họ.

Sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập bán đảo Crimea (có thể coi là hành động phản ứng của Moskva trước việc phương Tây ủng hộ cuộc đảo chính tiếm quyền ở Ukraine), NATO đã chuẩn bị kế hoạch "đen" chống Nga. Mặc dù yêu cầu Nga rút quân khỏi các khu vực biên giới giáp Ukraine, nhưng Mỹ lại tăng cường số máy bay chiến đấu đến các chốt kiểm soát không phận các nước vùng biển Baltic.

Một loạt cuộc tập trận đã được lên kế hoạch tại các nước thành viên NATO ở Đông Âu, trong đó có các cuộc tập trận ngay trên lãnh thổ Ukraine dù nước này không phải là thành viên NATO. Mỹ cũng đang xem xét điều một tàu chiến Mỹ tới khu vực Biển Đen thuộc Ukraine.

Liệu đây có phải là bắt đầu của một thời kỳ chiến tranh Lạnh mới? Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phương Tây và Nga đang phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế-thương mại, đồng thời Liên minh châu Âu (EU) đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm hơn 50% kim ngạch ngoại thương. Sẽ là tự sát nếu muốn cắt đứt quan hệ kinh tế này, EU rất cần Nga, vì trước hết Nga là một đối tác truyền thống và sau đó là một đối tác năng lượng quan trọng (cung cấp tới 30% nhu cầu năng lượng của EU).

Ngoài ra, đối với Washington hiện nay, chiến lược "xoay trục" của Tổng thống Barak Obama với trọng tâm hướng vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới là ưu tiên hàng đầu. Sẽ rất khó có chuyện Mỹ sẽ đưa thêm quân tới châu Âu. Hiện lực lượng quân Mỹ ở châu Âu đã giảm từ 300.000 binh sỹ trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh xuống còn 100.000 quân hồi năm 2005. Vào năm 2014, số quân này còn khoảng 80.000 người, trong đó có 14.000 nhân viên dân sự.

Năm 2009, NATO từng đình chỉ quan hệ với Nga sau cuộc chiến tại Nam Ossetia, nhưng chỉ vài tháng sau đó, khối quân sự này phải nhanh chóng nối lại mối quan hệ hợp tác-đối tác quan trọng này do những lợi ích đi kèm với nó (liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và ma túy, tình hình Afghanistan, Iran, Syria và tình hình bán đảo Triều Tiên...). Phải chăng vì thế quyết định của NATO lần này là chỉ tạm ngừng các mối quan hệ quân sự và dân sự với Liên bang Nga trong ba tháng (vẫn duy trì hợp tác trong vấn đề Afghanistan và chống khủng bố, buôn lậu, ma túy) - một khoảng thời gian vừa đủ để cuộc khủng hoảng tại Ukraine có khả năng dịu bớt.

Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO hiểu rằng tổ chức này là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh còn tồn tại đến bây giờ, tuy nó đã vài lần đơn phương thể hiện sức mạnh nhờ các cuộc không kích, đánh “hội đồng” vào Nam Tư cũ, Afghanistan, Libya, Iraq… Nhưng với Nga, mọi sự đe dọa của NATO sẽ không có tác dụng. Mọi cuộc chiến giữa NATO với Nga nếu xảy ra sẽ là cuộc chiến không có kẻ thắng và kéo theo nguy cơ loài người có thể bị hủy diệt.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, vì vậy, xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương mới là tương lai của nước Mỹ và giới quan sát chẳng mấy khó khăn khi dự đoán việc NATO "đóng băng" quan hệ với Nga chỉ mang tính chất tạm thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục