NATO nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ tập thể

Các bộ trưởng quốc phòng của 28 nước NATO đã nhất trí nâng cao khả năng phòng thủ của khối trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine.
NATO nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ tập thể ảnh 1Một cuộc tập trận chung của NATO. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị ở Brussels (Bỉ), ngày 3/6, các bộ trưởng quốc phòng của 28 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã nhất trí tiếp tục và củng cố hơn nữa các biện pháp dài hạn để nâng cao khả năng phòng thủ của khối trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, đồng thời thể hiện thái độ ủng hộ các cuộc cải cách ở Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết các biện pháp trên bao gồm xây dựng các kế hoạch phòng thủ mới, tăng cường các hoạt động tập trận và triển khai lực lượng để đáp ứng nhu cầu nhằm xây dựng một NATO "mạnh hơn, nhanh hơn và linh hoạt hơn."

Ông Rasmussen cũng hy vọng Kế hoạch Sẵn sàng Hành động trên sẽ được phê chuẩn tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales, Anh, trong tháng 9 tới.

NATO sẽ tích cực triển khai kế hoạch huấn luyện, đào tạo theo hình thức mới đáp ứng thực tế chiến trường tương lai. Tăng cường các cuộc tập trận theo mô hình mới nhằm khẳng định khả năng đối phó linh hoạt của NATO trước những đe dọa an ninh khu vực cũng như trên thế giới.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng nhất trí thông qua một chính sách phòng thủ mạng, công nhận đây là một bộ phận trong năng lực phòng thủ của Tổ chức.

Tổng Thư ký NATO cũng hoan nghênh sáng kiến của 7 nước thành viên NATO đứng đầu là Anh đã tuyên bố thành lập lực lượng viễn chinh chung trong khuôn khổ khối này; nhân đây Tổng Thư ký Rasmussen đã đánh giá cao quyết định của Đức, Ba Lan và Đan Mạch trong việc tham gia và hỗ trợ tích cực lực lượng đa quốc gia tại Đông Bắc Ba Lan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO, đối phó với những đe dọa và thách thức trong tương lai.

Tại cuộc họp trong khuôn khổ Ủy ban NATO-Ukraine, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã gặp người đồng cấp Ukraine Mykhailo Koval, và khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc cải cách quốc phòng và an ninh của Ukraine.

Trước khi khai mạc cuộc họp, ông Rasmussen phát biểu với báo giới khẳng định NATO vẫn coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi Nga trả lại khu vực đã tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga này cho Ukraine.

Liên quan đến động thái tăng cường triển khai thêm quân của NATO tại Đông Âu gần đây, ngày 3/6, cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Roberta Pinotti đã phát biểu phản đối NATO bố trí quân đội thường trực tại biên giới phía Đông của châu Âu, xem đây là động thái có thể cản trở việc thiết lập đối thoại giữa Ukraine và Nga nhằm tránh căng thẳng leo thang hơn nữa tại quốc gia Đông Âu này.

Cùng ngày, tại Vienna (Áo), Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cũng cho rằng tình hình an ninh tại châu Âu không đòi hỏi sự gia tăng quân đội NATO tại đây. Ông khẳng định Cộng hòa Séc không và sẽ không nằm trong số các nước yêu cầu NATO tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục