Nảy sinh bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi về di cư

Ngay trong những giờ họp đầu tiên, đã xuất hiện một bất đồng lớn giữa EU và các đại diện châu Phi liên quan đến dự định của EU xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba.
Nảy sinh bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi về di cư ảnh 1Người di cư tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rạng sáng ngày 12/11 theo giờ Hà Nội tại Valletta (Malta) đã khai mạc Hội nghị thưởng đỉnh giữa liên minh châu Âu (AU) và châu Phi nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di cư.

Hơn 40 nước thuộc hai châu lục đã cử đoàn tham dự, ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều tổ chức quốc tế. Tuyên bố chung nếu đạt được, cũng như các cuộc họp báo sẽ chỉ được tiến hành sau khi kết thúc hai ngày hội nghị này.

Tại hội nghị quan trọng lần này, các nước muốn thông qua một Kế hoạch hành động chung cho những năm tới đây. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EUFederica Mogherini cho biết kế hoạch sẽ đề ra các bước đi cụ thể cho các bên thực hiện trong những năm tới.

Nguồn tin của hãng TASS trong Hội đồng EU cho biết, trọng tâm trong Kế hoạch hành động sẽ là chính sách trao trả người di cư về quê hương, tuy nhiên vẫn mở cửa cho những người thực sự cần được bảo vệ quốc tế.

Bên lề hội nghị, EU dự định sẽ khởi động một quỹ mục tiêu trị giá 1,8 tỷ euro dành cho các nước châu Phi. Số tiền này có thể còn được tăng thêm để hỗ trợ các nước này đấu tranh với khủng hoảng di cư.

Ngay trong những giờ họp đầu tiên, đã xuất hiện một bất đồng lớn giữa EU và các đại diện châu Phi liên quan đến dự định của EU xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba, cụ thể là các nước châu Phi.

Đại diện của Liên đoàn châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini-Zuma cho biết AU cùng với nhiều nước châu Phi khác, trong đó có Ai Cập, phản đối kế hoạch này vì trên thực tế, người tị nạn bị giam giữ trong trại và đây là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Bà nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân nhất của nạn xâm hại tình dục và buôn người.

Ngoài ra, đại diện AU cũng cảnh báo các trung tâm này có thể trở thành nơi nuôi dưỡng những phần tử khủng bố và cực đoan, và như vậy sẽ chỉ đào sâu hơn vấn đề các bên đang muốn giải quyết. Bất đồng này hiện vẫn đang được thảo luận tiếp tục.

Tuy nhiên, đại diện EU và châu Phi cũng đi đến được một số nhất trí về mặt nguyên tắc. Các bên tham gia hội nghị đều khẳng định rằng vấn đề di cư chỉ thể có được giải quyết thông qua nỗ lực chung giữa EU và các nước châu Phi. Hội nghị Malta sẽ xây dựng nên các bước đi cụ thể được triển khai cả tại EU cũng như tại các nước châu Phi để đấu tranh với cuộc khủng hoảng người di cư.

Một bất ngờ được báo từ tuần trước là sang ngày 12/11, Hội nghị các nước EU và châu Phi chuyển thành Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp không chính thức của EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người triệu tập hội nghị bất thường này, cho biết ông tận dụng cơ hội khi hầu như tất cả các lãnh đạo các nước thành viên đã tụ họp, mục đích của hội nghị EU nhằm đánh giá các biện pháp được thông qua trước đó, ví dụ như hợp tác trong lĩnh vực di cư với các nước thứ ba (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ), triển khai kế hoạch bố trí người tị nạn, lập các trung tâm tiếp nhận người di cư tại Hy Lạp và Italy, các biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới giữa EU và các nước không thuộc liên minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục