Nên chuyển hỗ trợ từ doanh nghiệp sang nông dân

Theo các chuyên gia, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, Nhà nước nên chuyển từ hỗ trợ cho doanh nghiệp sang hỗ trợ trực tiếp nông dân.
Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, Nhà nước nên chuyển từ hỗ trợ cho doanh nghiệp sang hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, dùng nguồn vốn để đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu nông sản phù hợp với xu thế ngày càng có nhiều hàng rào bảo hộ kinh tế từ các thị trường nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu ý kiến này tại hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2010” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/5.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng chính sách hỗ trợ người nông dân trong các gói kích thích kinh tế gần như “phá sản” khi nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giải ngân không đầy 10 tỷ đồng trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho ngành này lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Theo ông Thành, nguyên nhân là do những điều khoản về hỗ trợ không phù hợp, chẳng hạn việc hỗ trợ vốn vay mua máy móc, thiết bị nông nghiệp nhưng phải là những thiết bị có tỷ lệ nội địa cao trong khi hiện nay tới hơn 90% là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

Báo cáo của nhà tổ chức cho thấy, nông nghiệp Việt Nam năm 2009 trải qua nhiều biến động và gặp rất nhiều khó khăn. Suy thoái kinh tế thế giới làm suy giảm tăng trưởng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản dù lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, càphê, cao su, thủy sản đều tăng. Nhiều người quan tâm khi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như vậy thì chính sách thuế phải được điều chỉnh như thế nào để người sản xuất và doanh nghiệp trong nước có lợi.

Ông Võ Trí Thành cho biết, khi gia nhập WTO, chúng ta phải đấu tranh mới giữ được mức thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu thì nay Nhà nước lại đánh thuế thấp hơn mức đàm phán và việc này đã xảy ra với các mặt hàng như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón. Nhưng nếu Nhà nước áp thuế cao thì nông dân phải mua phân bón, thức ăn chăn nuôi… với giá quá cao, nếu hạ thuế xuống thấp thì doanh nghiệp sản xuất lại "kêu trời" vì hàng hóa sản xuất cạnh tranh không lại với hàng ngoại nhập.

Liên quan đến vấn đề này này, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công thương), dẫn chứng mặt hàng đường, nếu đánh thuế cao thì doanh nghiệp được lợi nhưng người tiêu dùng lại phải mua đường với giá cao, nên điều chỉnh thuế cao hay thấp đối với hàng nhập khẩu rất khó khi đặt lên bàn cân: doanh nghiệp-người sản xuất trực tiếp và người tiêu dùng.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là bắt nguồn từ sự cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp trong nước./.

Liên Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục