Kinh tế Anh "mắc cạn"

Nền kinh tế Anh vẫn "mắc cạn" trong năm 2010

Kinh tế Anh đã vượt qua năm biến động nhất và kết thúc 2009 với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến, song vẫn chưa thoát suy thoái.
Kinh tế Anh đã vượt qua được một trong những năm biến động nhất và kết thúc năm 2009, với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến, song vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.

Trong báo cáo tiền ngân sách công bố trước khi kết thúc năm vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cho rằng kinh tế nước này chỉ tăng trưởng khiêm tốn trong quý IV, nên GDP sẽ giảm 4,75% trong cả năm.

Khi tất cả các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Pháp và Nhật Bản đều trở lại khu vực tăng trưởng dương trong quý III/2009, Anh là nền kinh tế cuối cùng trong Nhóm G20 vẫn "mắc cạn" trong suy thoái.

Kinh tế Anh đã tăng trưởng âm trong 6 quý liên tiếp và đây là giai đoạn suy giảm dài nhất kể từ năm 1955. Ông Darling dự đoán nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng dương trong quý IV/2009 nhưng chỉ với mức tăng không đáng kể.

Một vài ngân hàng, nhất là Royal Bank of Scotland (RBS) và Lloyds Group đã được giải cứu trong năm 2008 và năm 2009 những thế chế tài chính này tiếp tục nhận thêm hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Theo số liệu của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh, tính tới nay Chính phủ Anh đã xuất 117 tỷ bảng (189 tỷ USD) để giải thoát những thế chế tài chính dễ bị tổn thương nhất.

Một năm sau khi được chính phủ cứu thoát, vấn đề tiền thưởng trong ngành ngân hàng đã gây nên sự tức giận trong công chúng. Ông Darling đã phản ứng bằng cách áp dụng mức thuế 50% đối với những khoản tiền thưởng của giới chủ ngân hàng có giá trị trên 25.000 bảng (40.400 USD).

Ông cũng nâng mức nhu cầu đi vay của khu vực công lên con số kỷ lục 178 tỷ bảng (287 tỷ USD) năm 2009 và 176 tỷ bảng (284 tỷ USD) năm 2010, khiến dư luận chỉ trích rằng ông đã không nói rõ việc chi tiêu sẽ được kiểm soát như thế nào trong trung hạn.

Đầu năm 2009, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử là 0,5% và duy trì mức này trong 9 tháng liên tiếp, nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay. Ngoài ra, BoE cũng lần đầu tiên sử dụng đến chương trình "Nới lỏng định lượng" để hỗ trợ hoạt động cung cấp tín dụng.

Một năm trước, Chính phủ Anh đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 15% nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang oằn mình trong suy thoái và cải thiện chi tiêu tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Darling tháng trước khẳng định VAT sẽ được nâng trở lại mức trước thời điểm suy thoái là 17,5% vào đầu tháng 1/2010. Lạm phát của Anh đã ở mức đỉnh điểm 2,2% hồi tháng 5/2009, song đã dịu hơn và chỉ đạt 1,9% trong tháng 11/2009. BoE dự đoán lạm phát sẽ vượt ngưỡng 2% trong năm 2010.

Trong báo cáo hàng quý cuối cùng của năm 2009, BoE cho rằng mức tăng lương đã chậm lại và thu nhập của các hộ gia đình đang chịu sức ép. Trong bản tin nhanh quý IV/2009, BoE nhận xét: "Mức tăng lương chậm lại diễn ra trong hầu hết các ngành. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng giảm về lao động".

Theo BoE, 35% số lao động bị nợ tiền lương và 1% bị cắt giảm lương. Kết quả là gần một phần ba số lao động chứng kiến thu nhập của họ giảm ít nhất 1.200 bảng/năm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 7,9% như trong 3 tháng tính đến tháng 10/2009.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), tính đến tháng 10/2009, Anh có tổng số 2,49 triệu người thất nghiệp, tăng 608.000 người so với cùng kỳ năm 2008 và là mức cao nhất kể từ đầu năm 1995, song vẫn thấp hơn so với dự đoán của giới chuyên gia. ONS cho rằng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang gia tăng, song đây là mức tăng hàng quý nhỏ nhất kể từ kể từ giai đoạn tháng 3-5/2008.

Các số liệu mới nhất của ONS cho thấy, sản lượng công nghiệp của Anh trong tháng 10/2009 vẫn không thay đổi so với tháng trước đó, nhưng so với cùng kỳ năm 2008 giảm 8,4%. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế trước đó dự đoán sản lượng công nghiệp tháng này tăng 0,4% trên cơ sở hàng tháng và giảm 7,7% trên cơ sở hàng năm. Sản lượng ngành chế tạo trong tháng 10/2009 cũng đã giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bình luận về các chỉ số liên quan đến sản lượng ngành chế tạo, nhà kinh tế trưởng David Kern thuộc Phòng Thương mại Anh, nhận định: "Sự suy giảm của ngành chế tạo trong tháng 10/2009 là đáng thất vọng và làm gia tăng những quan ngại rằng khả năng kinh tế Anh tăng trưởng trở lại vào quý IV/2009 là không chắc chăn. Các dự báo cho thấy sản lượng chế tạo vẫn đang giảm xét cả trên cơ sở hàng quý và hàng năm".

Ông Kern cho rằng sự phục hồi của ngành chế tạo sẽ là nhân tố then chốt cho sự bình phục của nền kinh tế đang ốm yếu của Anh.

Thị trường nhà ở có vẻ phục hồi từ suy thoái nhanh hơn so với tất cả các lĩnh vực khác. Theo Hiệp hội Nhà ở Quốc gia Anh (NBS), giá trung bình một căn hộ tại nước này hiện ở mức 162.103 bảng, so với 153.048 bảng hồi tháng 12/2008. Lãi suất thấp và tình trạng thiếu nguồn cung đã làm gia tăng sức ép đối với giá nhà trên thị trường, cho dù nhu cầu chỉ tăng rất khiêm tốn. Nhà kinh tế trưởng Martin Gahbauer của NBS nhận xét giá nhà tại Anh đã kết thúc năm 2009 với mức tăng 5,9% so với cuối năm 2008.

Tờ Thời báo Tài chính số ra mới đây nhận định nhiều khả năng Anh sẽ đối mặt với nguy cơ khủng hoảng ngân sách trong năm 2010 và nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục đình đốn cho đến cuối năm nay.

Cựu Phó Thống đốc BoE nhà phân tích Sir John Gieve, cho rằng chính phủ đã không có kế hoạch đầy đủ để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và điều này sẽ khiến tỷ lệ lãi suất tăng mạnh và đồng bảng mất giá trong năm 2010. Hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng kinh tế Anh đang phục hồi và sẽ tăng trưởng trong năm 2010, song nhận định Chính phủ Anh và BoE đã quá lạc quan về tiến độ phục hồi kinh tế.

Với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2010, một chính phủ mới ở Anh sẽ phải gánh vác nhiệm vụ hết sức nặng nề là khôi phục nền kinh tế vẫn đang "chìn nghỉm" trong suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục