Nền kinh tế Cộng hòa Cyprus đang "đi đúng hướng"

Nền kinh tế Cộng hòa Cyprus đang "đi đúng hướng" sau 11 tháng tiến hành các cải cách trong khuôn khổ chương trình cứu trợ trị giá 10 tỷ euro.

Nền kinh tế Cộng hòa Cyprus đang "đi đúng hướng" sau 11 tháng tiến hành các cải cách trong khuôn khổ chương trình cứu trợ trị giá 10 tỷ euro (13,6 tỷ USD) của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đây là đánh giá trong một báo cáo chung của EC, ECB và IMF, được công bố ngày 11/2.

Theo đó, nền kinh tế vĩ mô và tài chính công của Cyprus được cải thiện tốt hơn mức dự đoán trước đó.

Trong năm 2013, GDP của Cyprus giảm 6% (thấp hơn 2% so với dự đoán); các ngành du lịch và dịch vụ phục hồi nhanh chóng, chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Điều này tạo điều kiện cho Cyprus được giải ngân các khoản vay tiếp theo trị giá 150 triệu euro từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và 86 triệu euro từ IMF.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cảnh báo Cyprus cần đẩy nhanh hơn cải cách trong khu vực công, nhất là đối với hệ thống tiền lương và hệ thống thuế; đồng thời, cần nhanh chóng thông qua dự luật tư nhân hóa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được cho là biện pháp quan trọng trong việc giảm nợ công và tăng thu ngân sách quốc gia.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Cyprus Haris Georgiades cho biết các biện pháp kiểm soát giao dịch tiền mặt sẽ được "nới lỏng một cách mạnh mẽ" bắt đầu từ tuần tới do lĩnh vực ngân hàng nước này đang dần ổn định.

Trước đó, theo các cam kết với EC, ECB và IMF tháng 3/2013, Cyprus áp dụng một loạt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hệ thống ngân hàng như tái cơ cấu vốn tại các ngân hàng lớn nhằm giải quyết những khoản nợ xấu trên 100.000 euro, hạn chế việc rút tiền mặt ở mức 300 euro/ngày, cấm chuyển đổi ngân phiếu thành tiền mặt, cấm giao dịch với nước ngoài.

Ông Georgiades khẳng định phần lớn các quy định này sẽ được bãi bỏ trong năm nay và đây là biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị suy thoái của Cyprus phát triển.

Trong khi đó, nguy cơ khủng hoảng chính phủ xuất hiện ở Cyprus với việc đảng DIKO cảnh báo sẽ xem xét rút khỏi chính phủ liên minh sau khi Tổng thống Nicos Anastasiades ký tuyên bố chung với lãnh đạo "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus," đe dọa sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này, nhất là đối với việc triển khai các chương trình cải cách kinh tế tiếp theo.

Nền kinh tế Cyprus được dự đoán tiếp tục suy giảm 4,8% trong năm nay nhưng sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2015./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục