Nền kinh tế Italy rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật"

Nền kinh tế Italy rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật" khi mức tăng trưởng kinh tế nước này trong quý cuối cùng năm 2018 đã sụt giảm 0,2% và đây là quý sụt giảm thứ hai liên tiếp.
Nền kinh tế Italy rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật" ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ngày 31/1, cho biết mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý cuối cùng năm ngoái đã sụt giảm 0,2% và đây là quý sụt giảm thứ hai liên tiếp trong năm 2018.

Trước đó, trong quý ba, kinh tế Italy cũng sụt giảm 0,1%.

Theo định nghĩa của giới phân tích, nếu một nền kinh tế có 2 quý sụt giảm liên tiếp thì được coi là rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật."

Đây cũng chính là trường hợp của Italy mặc dù xét tổng thể cả năm 2018, nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng 1% và dự kiến sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng “khiêm tốn” trong năm nay.

Số liệu kể trên của ISTAT đã xác nhận vị trí bấy lâu nay của Italy với tư cách là một trong những nền kinh tế trì trệ nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

[Italy tuyên bố không sửa đổi dự thảo ngân sách theo yêu cầu của EU]

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Eurozone đã tăng trưởng 0,2% trong quý 4/2018 và đây là mức tăng trưởng phù hợp với sự kỳ vọng của các thị trường.

Chính phủ đương nhiệm của Italy đã nhanh chóng đỗ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trên. Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho rằng số liệu kinh tế mới nhất là bằng chứng cho thấy sự thất bại của toàn bộ tầng lớp chính trị mà cử tri nước này đã "quay lưng lại" trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định các biện pháp của chính phủ hiện nay sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế Italy sẽ có sự phục hồi vững chắc kể từ quý hai tới.

Ông Conte cũng chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này đã bị suy yếu kể từ đầu năm 2017 và gần đây đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự trì trệ của các nền kinh tế vốn là đối tác thương mại chính của Italy như Đức và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục