Nền kinh tế mới nổi không nên trữ nhiều ngoại tệ

IMF cho rằng ít có bằng chứng cho thấy lượng dự trữ ngoại tệ lớn đã giúp những nền kinh tế đang nổi vượt qua cuộc khủng hoảng.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng ít có bằng chứng cho thấy lượng dự trữ ngoại tệ lớn đã giúp những nền kinh tế đang nổi vượt qua cuộc khủng hoảng vốn vừa đẩy thế giới vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong những thập kỷ qua.

Theo báo cáo trên, đối với một số nền kinh tế, nguồn dự trữ ngoại tệ lớn là một nỗ lực tỉnh táo nhằm đảm bảo chống lại tác động của một cuộc khủng hoảng, trong khi đối với các nền kinh tế khác, đó là một phần của các chiến lược tăng trưởng do xuất khẩu dẫn đầu, bao gồm việc duy trì tỷ giá hối đoái thấp.

Báo cáo lưu ý: "Tuy nhiên, thật khó để nói rằng liệu việc tự bảo hiểm này có thực sự thành công hay không".

Một mặt, hầu hết các thị trường mới nổi đã chống chọi với cuộc khủng hoảng hiện nay tốt hơn trước đây. Mặt khác, tin tức tích cực có thể là do cuộc khủng hoảng trên vốn bắt nguồn từ các nền kinh tế tiên tiến, và nhờ các chính sách và cơ cấu kinh tế vĩ mô trong các nền kinh tế mới nổi hợp lý hơn so với trước đây.

Trung Quốc đang giữ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, trị giá hơn 2.000 tỷ USD. Nhiều nền kinh tế khác cũng có nguồn dự trữ khổng lồ. Dự trữ ngoại tệ của Brazil là hơn 200 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ của Nga ước tính trên 400 tỷ USD.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard và các nhà kinh tế khác đã dẫn các biểu đồ cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa lượng dự trữ ngoại tệ trước khủng hoảng và sự sụt giảm sản lượng kinh tế trong suốt thời gian hỗn loạn.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc xây dựng các quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ, các quan chức quốc tế đã đề xuất rằng các nước nên đóng góp cho một quỹ toàn cầu, có thể do IMF điều hành. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng người ta khó mà ngăn được các nền kinh tế mới nổi tăng cường kho dự trữ ngoại tệ của họ.

Trong báo cáo của mình, các nhà kinh tế IMF cho biết mặc dù việc tích lũy ngoại tệ dự trữ đã được dừng lại vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng, nhưng điều đáng ngạc nhiên là hầu như người ta rất ít sử dụng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ các đồng tiền hoặc làm dịu bớt tình trạng căng thẳng tài chính.

Họ cũng quan ngại rằng sẽ có một đợt tăng dự trữ ngoại tệ mới sau khủng hoảng và cảnh báo rằng điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi kinh tế vốn rất mong manh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục