Nền kinh tế Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc

Những dấu hiệu phát triển lạc quan của kinh tế Mỹ trở thành động lực thúc đẩy nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán.
Những dấu hiệu phát triển lạc quan hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục được công bố trong ngày 3/2 đã trở thành động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đổ thêm tiền vào thị trường chứng khoán, khiến cho giá các cổ phiếu chủ lực của Mỹ trong ngày tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1/2012 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được tổng cộng 243.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 155.000 việc làm của nhiều chuyên gia.

Số lượng việc làm nhiều hơn này được tạo ra đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong công nhân Mỹ trong tháng giảm xuống chỉ còn 8,3% so với mức 8,6% trong tháng 12 và 9% của cả năm 2011. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Mỹ trong vòng 3 năm qua và cũng là tháng thứ 5 liên tục tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ duy trì được đà giảm.

Ngay sau báo cáo của Bộ Lao động về thị trường công ăn việc làm, Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cũng công bố số liệu thống kê cho thấy khu vực dịch vụ của Mỹ trong tháng đầu tiên của năm 2012 phát triển và mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 11 tháng qua, đạt 56,8% so với 53% trong tháng 12/2011. Đây là tốc độ phát triển nhanh nhất của ngành kinh tế mũi nhọn này của Mỹ kể từ tháng 2/2006.

Các thông tin tích cực nói trên đã ngay lập tức tác động tới thị trường chứng khoán, đẩy giá các cổ phiếu chủ lực lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo số liệu từ Sàn chứng khoán New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones đến cuối phiên giao dịch ngày 3/2 tăng 157 điểm, tương 1,2%, lên 12.862 điểm. Đây là lần đầu tiên nhóm cổ phiếu của các tập đoàn công ty lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng hơn 150 điểm trong một ngày giao dịch kể từ hôm 3/1. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục của Dow Jones kể từ tháng 5/2008 trước khi tập đoàn tài chính và đầu tư danh giá của Mỹ Lehman Brothers sụp đổ, đây kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm qua và hậu quả của nó còn kéo dài tới tận hôm nay.

Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng cũng tăng 1,6%, tương đương 46 điểm, lên 2.906 điểm. Đây là mức giá cao nhất của loại cổ phiếu này kể từ tháng 12/2000. Chỉ số Standard&Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 19 điểm, lên 1.345 điểm.

Chuyên gia kinh tế Steve Ricchiuto thuộc Công ty chứng khoán Mizuho Securities cho rằng những số liệu được công bố trong ngày 3/2 là những tín hiệu mạnh mẽ nhất chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự báo của các chuyên gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục