Nền kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo

Sáng 13/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 quốc hội XII, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động quản lý điều hành trong 5 tháng đầu năm 2009 và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Sáng 13/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 quốc hội XII, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động quản lý điều hành trong 5 tháng đầu năm 2009 và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Giải quyết xóa đói, giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) liên quan đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các xã, huyện nghèo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ xác định rõ vấn đề giải quyết nghèo phải được triển khai đồng bộ, nhiều mặt trên nhiều lĩnh vực, cả vật chất lẫn tinh thần và xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ không phân biệt xã-thị trấn trong việc triển khai hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của các huyện nghèo.
 
Phó Thủ tướng nói Việt Nam đã và đang đạt được những thành tích trong việc giảm nghèo nhưng xóa nghèo thì chưa thể đạt được ngay. Sẽ luôn có khoảng 10-20% dân có mức sống nghèo hơn mức trung bình của toàn xã hội cần sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng.
 
Về vấn đề xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho bà con huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và những địa phương xung quanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là phát triển công nghiệp nhưng không để bần cùng hóa, nghèo hóa cuộc sống người dân xung quanh vùng dự án. Các dự án Dung Quất đã, đang và sẽ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực địa phương để nhận vào làm việc trong khu dự án.
 
Kinh tế Nhà nước góp phần kiềm chế lạm phát
 
Trả lời câu hỏi về tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, cả nước đã tiến hành cổ phần hóa được 3.854 doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trước là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, hoạt động không hiệu quả; các ngành nghề nhà nước không cần chi phối. Các doanh nghiệp Nhà nước nằm ở khu vực kinh tế quan trọng cần tới sự chi phối của Nhà nước để điều tiết kinh tế sẽ tiến hành từng bước vững chắc.
 
Định hướng cho hoạt động cổ phần là các tập đoàn kinh tế lớn sẽ được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối, đảm bảo sự ổn định kinh tế, hiệu quả cao. Phó Thủ tướng thừa nhận, trong thời gian qua, hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có một số sơ hở, gây nên tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước (hơn 1.500 doanh nghiệp và 94 tập đoàn kinh tế lớn) vẫn đang hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
 
Theo Phó Thủ tướng, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là nền kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ là lực lượng chủ công, giúp kinh tế nhà nước làm tốt vai trò trong nền kinh tế thị trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, kinh tế nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
 
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, vai trò hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, chúng ta phát triển mạnh kinh tế cổ phần, đa sở hữu, thể hiện tính dân chủ về kinh tế, tính xã hội cao về lực lượng sản xuất; đẩy mạnh doanh nghiệp vừa, nhỏ và thành phần kinh tế tư nhân, coi đây là loại hình kinh tế năng động, giải quyết tốt vấn đề xóa đói giảm nghèo, giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động. Cần nâng cao vai trò, hiệu quả, đổi mới cơ cấu, hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước.
 
Trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) về những tồn tại trong quá trình thực thi pháp luật, Phó Thủ tướng thẳng thẳn thừa nhận những bất cập trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, công tác dự báo tình hình chưa thực hiện được tốt. Phó Thủ tướng nhất trí việc phân công chức năng quản lý tài chính phải phù hợp với tình hình. Chính phủ đang hướng tới quá trình hoàn thiện, tập trung chức năng quản lý, nhưng không có nghĩa là sẽ tập trung vào một Bộ, vào một đơn vị nào đó.
 
Dự án bauxite Tây Nguyên được thực hiện đúng quy định
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc xung quanh dự án khai thác, chế biến bauxite Tây Nguyên, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không bao giờ đổ lỗi cho Quốc hội về việc dự án này không được đưa ra xin ý kiến trước Quốc hội. Các dự án phát triển kinh tế được phân cấp quy hoạch theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Ngành khai thác, chế biến bauxite chỉ là một ngành hẹp mà quy hoạch phát triển ngành nằm trong thẩm quyền của Chính phủ.
 
Phó Thủ tướng khẳng định không hề có việc cố tình chia nhỏ dự án, mà quá trình lập dự án đầu tư phải làm riêng biệt để đảm bảo đúng các quy trình, tiêu chí theo luật định, đảm bảo quá trình thẩm định, khảo sát, thăm dò được cụ thể, chi tiết. Dự án bauxite Tây Nguyên được thực hiện theo đúng quy định lập dự án của pháp luật. Chính phủ tiếp thu các ý kiến phản hồi, góp ý về dự án này và hiện đang sử dụng đa nguồn lực để nghiên cứu triển khai dự án và sẽ báo cáo lại với Quốc hội.
 
Về chính sách hỗ trợ tài chính cho hoạt động sản xuất đối với nông thôn, nông nghiệp và nông dân, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nông dân được được vay vốn không lãi suất trong vòng hai năm. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương xây dựng chính sách phù hợp với tình hình. Chính phủ sẽ ban hành tiếp chủ trương hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, trong đó có việc hỗ trợ về giống cho người nông dân.
 
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai nhiều biện pháp, trong đó có thể sẽ là việc tính toán công bố mức giá sàn của lúa, gạo ngay trước mùa sản xuất, đảm bảo người dân có lãi ít nhất 30% sau khi trừ chi phí./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục