Nền kinh tế phục hồi nhưng còn nhiều thách thức

Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi Việt Nam phải khắc phục như nhập siêu còn lớn, giá cả tăng cao, thu ngân sách đạt thấp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 1 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi Việt Nam phải tập trung khắc phục như nhập siêu còn lớn, giá cả tăng cao, thu ngân sách đạt thấp.

Ngày 1/2, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2010, Phó Thủ tướng chỉ rõ trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng các chương trình kế hoạch thực hiện sát với thực tế của Bộ, ngành, địa phương mình, với những giải pháp cụ thể và chỉ đạo một cách quyết liệt.

Các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; phải đẩy mạnh xuất khẩu gắn liền với quản lý chặt chẽ nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Dần, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, bảo đảm giá cả phù hợp và chất lượng, đặc biệt bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từng địa phương phải có trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, không để tình trạng dân đói lúc giáp hạt.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ rõ các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán; nghiêm cấm tình trạng quà cáp, biếu xén cấp trên trong dịp Tết...

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng nghe cho ý kiến về  công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 1 năm nay; công tác cải cách hành chính; tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 12/2009, chương trình công tác chính phủ tháng 1 năm nay; tình hình chuẩn bị và ban hành các văn bản quy định chi tiết các dự án luật, pháp lệnh; báo cáo về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc, trong tháng 1, các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là ngành công nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 ước tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng tới 31,1%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2009 và tăng 3,8% so với tháng 12/2009. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt 416.000 lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là tổng số thuê bao điện thoại mới trong tháng 1 ước đạt 4,86 triệu, tăng tới 145,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thuê bao điện thoại di động đạt 4,3 triệu.

Cũng trong tháng 1, cả nước có khoảng 5.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 25%; ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân 400 triệu USD, tăng 33,3%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1%.

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong tháng 1, nền kinh tế Việt Nam nổi lên những tồn tại đáng lưu ý như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,36% so với tháng 12/2009. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt tới 6,2 tỷ USD, tăng 86,6% so với cùng kỳ năm ngoái; do đó nhập siêu tới 1,3 tỷ USD, bằng 26,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Cả nước còn để xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến gần 400 người, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Trong những tháng tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như khẩn trương hoàn tất việc phân bổ và triển khai dự toán ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm nay đến các đơn vị cơ sở; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có khả năng thay thế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm mà các Bộ, ngành và địa phương phải thực hiện trong năm nay như quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, đẩy giá thị trường lên cao, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; triển khai xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh theo Chương trình công tác của Chính phủ năm nay./.

Quang Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục