Nền kinh tế Syria thiệt hại 15 tỷ USD do xung đột

Sau hơn 2 năm xung đột, lực lượng nổi dậy ở Syria đã gây thiệt hại gần 15 tỷ USD đối với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân.
Truyền thông Syria ngày 2/6 đưa tin sau hơn hai năm xung đột, lực lượng nổi dậy ở nước này đã gây tổng thiệt hại về kinh tế tới gần 1.500 tỷ bảng Syria (SYP), tương đương gần 15 tỷ USD.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn chính thức SANA ngày 2/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chính quyền địa phương Syria, ông Omar Ghalawnji cho biết các nhóm khủng bố đã gây thiệt hại hơn 1.470 tỷ SYP đối với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân. Trong đó, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của nhà nước ước tính hơn 1.250 tỷ SYP với 5.000 cơ sở bị ảnh hưởng.

Ông Ghalawnji khẳng định Chính phủ Syria hiện đang nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu của những người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngoài việc bồi thường cho những gia đình chịu thiệt hại về tài sản, sửa chữa các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, Chính phủ Syria còn cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân tập trung tại các trung tâm lưu trú tạm thời.

Mới đây, Ủy ban Tái thiết Syria đã quyết định dành một khoản kinh phí 800 triệu SYP để xây thêm các trung tâm lưu trú tạm thời với sức chứa 10.000 người mỗi trung tâm cho những người bị mất nhà cửa.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn đang hợp tác với các tổ chức quốc tế để sửa chữa nhiều trung tâm lưu trú tạm thời với tổng kinh phí 357 triệu SYP, đồng thời hỗ trợ tài chính cho 40.000 hộ gia đình nghèo phải di dời.

Tính đến nay, khoảng 800.000 người tị nạn Syria đã quay trở về nhà. Hiện 840 trụ sở cơ quan chính phủ đang được sử dụng làm nơi cư ngụ cho khoảng 33.500 gia đình.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 2/6, Nhật báo al-Diyar của Lebanon đưa tin các cơ quan an ninh Syria vừa ngăn chặn thành công một âm mưu đánh bom máy bay chở Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo báo trên, các tay súng thuộc Mặt trận al-Nusra đã âm mưu phục kích gần sân bay Latakia của Syria để tấn công máy bay chở Tổng thống Assad bằng tên lửa Sam-7. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị Cơ quan tình báo Jordan phát hiện và cảnh báo kịp thời cho phía Syria.

Cùng ngày, kênh truyền hình al-Manar của Lebanon dẫn số liệu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Tổng thống Syria Basa al-Assad đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy, theo đó 70% người dân Syria ủng hộ ông Assad.

Các số liệu nghiên cứu đăng trên tờ World Tribune của Mỹ cho thấy đa số người dân Syria mệt mỏi vì chiến tranh và lo lắng trước việc al-Qaeda tiếp quản phe đối lập nên đã dành sự ủng hộ cho Tổng thống Assad.

[Phe đối lập Syria "lộn xộn" là lợi thế của ông Assad]

Theo nguồn tin trên, người dân Syria đã thay đổi thái độ trong vòng 6 tháng qua, nhất là trong cộng đồng người Sunni, vốn lâu nay được cho là ủng hộ lực lượng nổi dậy.

Trong khi đó, quân đội Syria tiếp tục đẩy mạnh tấn công lực lượng nổi dậy ở thị trấn al-Qussair, thuộc tỉnh miền Trung Homs. Liên hợp quốc ngày 1/6 cho biết có khoảng 1.500 người bị thương đang bị mắc kẹt tại al-Qussair, nơi đã diễn ra giao tranh dữ dội trong hai tuần qua.

Liên hợp quốc kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn ngay lập tức để những người bị thương có điều kiện chữa trị. Hội chữ thập Đỏ quốc tế cũng đã yêu cầu được tiếp cận al-Qussair để phân phát đồ cứu trợ.

Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon cùng ngày, Ngoại trưởng Syria Walid al- Moallem cho biết chính quyền Damascus sẽ cho phép Hội chữ thập Đỏ tiếp cận al-Qussair để phối hợp với tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ của Syria sau khi chiến dịch quân sự tại đây kết thúc.

Ông cũng khẳng định Chính phủ Syria đang nỗ lực đập tan “các nhóm khủng bố vũ trang” để khôi phục an ninh và ổn định tại al-Qussair.

Một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình ở al-Qussair, do Anh đề xuất ngày 1/6, đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về số phận của những người dân đang bị mắc kẹt tại thị trấn này.

Dự thảo hối thúc Chính phủ Syria cho phép các tổ chức nhân đạo, trong đó có các cơ quan của Liên hợp quốc, tiếp cận thị trấn "ngay lập tức,” đồng thời kêu gọi các bên xung đột hết sức tránh gây thương vong cho dân thường và Chính phủ cần thực thi trách nhiệm bảo vệ người dân.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Liên hợp quốc cho biết Nga đã phản đối dự thảo tuyên bố trên, cho rằng “cần có một cuộc thảo luận chính trị rộng hơn” về đề xuất này.

Cùng ngày, website của Bộ Ngoại giao Nga đưa tin Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm, thảo luận cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, bao gồm công tác chuẩn bị cho hội nghị hòa bình quốc tế theo sáng kiến của Washington và Mátxcơva.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về lịch trình tiếp xúc chính trị song phương dưới nhiều hình thức khác nhau.

Liên quan đến hội nghị hòa bình quốc tế, trả lời đài Europe 1 và kênh I-Television của Pháp, Ngoại trưởng nước này Laurent Fabius cho biết hội nghị về Syria, do Nga và Mỹ đề xuất tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, có thể diễn ra vào tháng Bảy tới, muộn hơn so với dự kiến./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục