Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một tương lai ảm đạm

Ngoài việc hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh gây ra và căng thẳng địa chính trị, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cân nhắc các biện pháp có mục tiêu hơn với nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một tương lai ảm đạm ảnh 1(Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo The Business Times, 2022 được cho là năm bình thường hóa hậu COVID-19, năm hàn gắn thị trường lao động và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, năm 2022 lại là một giai đoạn đầy khó khăn của những sự sắp xếp lại địa chính trị, gián đoạn nguồn cung dai dẳng và biến động thị trường tài chính. Tất cả đều diễn ra trong bối cảnh sức ép lạm phát gia tăng và không gian hoạch định chính sách bị hạn chế.

Do những diễn biến này, bản cập nhật mới nhất về Chỉ số phục hồi kinh tế toàn cầu của Viện Brookings và báo Financial Times cho thấy tình trạng mất đà tăng trưởng tổng thể, với sự không đồng đều về mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia trước những diễn biến bất lợi trong nước và quốc tế.

Cuộc xung đột ở Ukraine, tái bùng phát của dịch COVID-19 ở Trung Quốc và việc thiếu các lựa chọn chính sách kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia sẽ khiến 2022 trở thành một năm đầy khó khăn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Và mặc dù những hiệu ứng mang tính phá vỡ của COVID-19 dường như đã được kiềm chế ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới, nhưng khả năng xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nghĩa là dịch bệnh vẫn là một nhân tố khó đoán định.

Sức ép lạm phát leo thang

Những căng thẳng địa chính trị gia tăng đã làm trầm trọng thêm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Với giá cả tăng vọt và nhu cầu được duy trì tốt ở hầu hết các nền kinh tế lớn cho tới gần đây, sức ép lạm phát tăng mạnh trên khắp thế giới.

Tồi tệ hơn, hầu hết các chính phủ và các ngân hàng trung ương nhận thấy sẽ khó có thể thúc đẩy nhu cầu nếu có những dấu hiệu về sự không chắc chắn của nền kinh tế và biến động tài chính. Lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, và điều đó báo trước dấu hiệu xấu đối với nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là đối với đầu tư kinh doanh.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ tuyển dụng và thất nghiệp ở nước này đã quay trở về mức trước đại dịch. Sản lượng công nghiệp tăng trưởng mạnh, nhu cầu trong nước nhìn chung vẫn duy trì tốt, đây được coi là động cơ chính của tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nguy cơ mất kiểm soát vấn đề lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương này có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ thậm chí mạnh mẽ hơn dự kiến, làm gia tăng rủi ro về tăng trưởng chậm lại trong năm 2023.

Giá dầu cao, sự nghịch đảo của đường cong lợi suất (khi lợi tức của nợ ngắn hạn cao hơn so với nợ dài hạn), và thị trường chứng khoán không ổn định đem lại cảm giác lo lắng về những khó khăn sắp tới.

[Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước những biến số khó lường]

Trong khi đó, quyết tâm theo đuổi chiến lược “Zero-COVID” của Trung Quốc dường như trở nên ngày càng bất khả thi. Nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và sản xuất ở nước này đều đang cho thấy dấu hiệu suy yếu, điều này có thể gây ra những tác động bên ngoài Trung Quốc.

Ở khía cạnh tích cực hơn, giá nhà ở đã chững lại, áp lực tài chính đã giảm, và lạm phát giá tiêu dùng vẫn ở mức tương đối vừa phải. Bởi vậy, chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc có nhiều dư địa để hành động hơn so với các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế lớn khác, và do đó có thể sẽ ban hành nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nhằm đối phó với đà tăng trưởng đang suy yếu. Tuy nhiên, cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế những rủi ro tài chính dài hạn sẽ vẫn là một nhân tố kìm hãm.

Về phần mình, các nền kinh tế thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang thực hiện nhiệm vụ khó khăn là loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga càng nhanh càng tốt. Điều đó có thể gây ra sự xáo trộn rất lớn đối với một số ngành, mặc dù với tác động chung ở mức khiêm tốn và mang tính ngắn hạn đối với tăng trưởng. Nếu các nguồn cung năng lượng giảm bắt đầu gây thiệt hại, thì sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Đức sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. 

Tương tự, sự phục hồi được thúc đẩy bởi tiêu dùng của Nhật Bản đã bị “chệch đường ray.” Những tác động mạnh mẽ của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã phủ bóng lên triển vọng cho một sự phục hồi bền vững. Và sau khi phục hồi từ đại dịch, nền kinh tế Anh đang bước vào một giai đoạn khó khăn, với lạm phát tăng, thuế cao hơn, và sự đứt gãy chuỗi cung ứng cùng với một loạt “sóng gió” toàn cầu.

Nhiều nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đã phải hứng chịu lạm phát toàn cầu tăng, đồng USD tăng giá và những điều kiện tài chính bất lợi (hạn chế khả năng tiếp cận của họ đối với các quỹ đầu tư nước ngoài).

Dù vậy, thực tế cho thấy các đồng tiền chính của các thị trường mới nổi nhìn chung được duy trì ổn định, phản ánh nhu cầu khiêm tốn đối với việc tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai và nguồn dự trữ ngoại hối lành mạnh. Và giá hàng hóa tăng đột biến lại là tin tức tốt đối với một số nền kinh tế đang phát triển.

Trong khi Ấn Độ đang ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, lạm phát cao và giá dầu tăng có thể cản trở đà tăng trưởng của nước này nếu tình hình kéo dài. Brazil cũng đang trải qua sự phục hồi tăng trưởng khiêm tốn, nhưng với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng Mười tới, quốc gia này vẫn đang bị bủa vây bởi bất ổn chính trị.

Và nền kinh tế Nga đương nhiên đã bị thiệt hại bởi sự kết hợp các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính. Điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, vì Nga chỉ chiếm 2% GDP toàn cầu, nhưng do tầm quan trọng của nước này với tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ làm tăng thêm sức ép về giá cả, từ đó sẽ hạn chế không gian vận động của các ngân hàng trung ương khác.

Nhiệm vụ khó khăn

Trước mắt, các nhà hoạch định chính sách có một nhiệm vụ khó khăn là cân bằng những vấn đề mang tính rủi ro cao. Ở hầu hết các nền kinh tế, chính sách tiền tệ bị hạn chế bởi sức ép lạm phát và chính sách tài chính bị hạn chế bởi những mức nợ công cao. Việc duy trì một lộ trình tăng trưởng hợp lý của kinh tế toàn cầu sẽ đòi hỏi những hành động phối hợp để sửa chữa các vấn đề cơ bản.

Ngoài việc hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh gây ra và căng thẳng địa chính trị, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cân nhắc các biện pháp có mục tiêu hơn - chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng - để thúc đẩy năng suất dài hạn thay vì chỉ đơn giản tăng cường nhu cầu ngắn hạn.

Điều này sẽ đòi hỏi ý chí chính trị trong nước và sự phối hợp hợp tác quốc tế, mà cả hai điều này đều đang ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục