Nền kinh tế toàn cầu giống như đang đi trên dây cáp

Sức ép trực tiếp nhất mà nền kinh tế thế giới hiện nay đang phải đối mặt đến từ các hàng rào thuế quan không ngừng gia tăng và sự bất ổn trong dòng chảy tài chính toàn cầu.
Nền kinh tế toàn cầu giống như đang đi trên dây cáp ảnh 1Sản phẩm đồ hộp nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 6/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, báo cáo thường niên về Thương mại và Phát triển năm 2018 do Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố ngày 26/9 dự đoán cuộc chiến thương mại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào nếu tiếp tục leo thang có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ suy giảm trở lại.

Cụ thể, nếu bùng phát cuộc chiến thương mại áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019-2023), tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 2,7% so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại.

Báo cáo trên cho rằng tình trạng này sẽ khiến các nước có xuất siêu thương mại bị thu hẹp lại, như Trung Quốc, Nhật Bản, sẽ hạ tỷ suất hối đoái tiền tệ nhằm duy trì sức cạnh tranh.

[Hình bóng "Chiến tranh lạnh" trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ]

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp cắt giảm mức lương công nhân sẽ dẫn đến sự suy giảm nhu cầu và đầu tư trong nước.

Báo cáo thường niên của UNCTAD nhận định 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính (2008-2018), nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, đặc biệt sự leo thang không ngừng của hàng rào thuế quan thương mại thời gian gần đây là một mối quan ngại lớn hơn, bởi vì nó sẽ làm nhiễu loạn hệ thống thương mại quốc tế, làm gia tăng tính bất ổn của thị trường và thu hẹp đầu tư, từ đó đem lại những tác động tai hại cho sự phát triển kinh tế trung hạn toàn cầu.

Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng sức ép trực tiếp nhất mà nền kinh tế thế giới hiện nay đang phải đối mặt đến từ các hàng rào thuế quan không ngừng gia tăng và sự bất ổn trong dòng chảy tài chính toàn cầu.

Ông nói: "Thách thức lớn hơn đằng sau những mối đe dọa này là vấn đề bất bình đẳng và thiếu cân bằng về kinh tế xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn tồn tại."

Báo cáo cảnh báo rằng sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước trên thế giới không những không xây dựng chính sách tốt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tái diễn, ngược lại còn cho phép các cơ quan tài chính lớn tăng trưởng thiếu kiểm soát, nợ chính phủ cũng tiếp tục phình ra trong thời gian gần đây, hình thành nên những rủi ro mới.

Báo cáo chỉ rõ quy mô của các ngân hàng trên toàn cầu và các ngân hàng ngầm đã tăng lên 160.000 tỷ USD, gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế toàn cầu hiện nay; khối lượng nợ toàn cầu đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, hơn một nửa so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông Wright, Chủ nhiệm Ban Chiến lược Toàn cầu hóa và Phát triển của UNCTAD, mô tả: “Nền kinh tế toàn cầu cũng giống như đi trên dây cáp, bị lắc lư giữa sự bất ổn của nền kinh tế và tài chính do nợ mang đến. Quá khứ lịch sử cho chúng ta thấy rằng sự thịnh vượng kinh tế do các khoản vay nợ đem lại thường sẽ không có một cái kết tốt đẹp."

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra nhận định nếu cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục mở rộng, những tác động tiêu cực mà Mỹ phải chịu sẽ lớn hơn Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế của ECB đã thực nghiệm mô phỏng trên mô hình máy tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của chính ECB, đặt ra trường hợp Mỹ áp đặt mức thuế 10% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu, các nước bị áp thuế có các biện pháp trả đũa tương ứng.

Kết quả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 2% trong năm đầu của cuộc chiến thương mại, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng lên, các doanh nghiệp giảm đầu tư và cắt giảm biên chế. Trong khi đó, thương mại toàn cầu sẽ chịu tổn thất 3%.

Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác, qua đó sẽ giảm nhập khẩu từ Mỹ của các nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục