Nền tảng sinh thái hỗ trợ lương thực bị xói mòn

UNEP cảnh báo các nền tảng sinh thái hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu đang bị xói mòn nghiêm trọng do hoạt động của con người.
Ngày 20/6, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) ở Brazil, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra một báo cáo nhan đề “Tránh nạn đói trong tương lai: Tăng cường cơ sở sinh thái cho an ninh lương thực thông qua hệ thống lương thực bền vững.”

UNEP cảnh báo các nền tảng sinh thái hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu đang ngày càng bị xói mòn nghiêm trọng do hoạt động của con người. Thế giới cần khẩn cấp tập trung duy trì và tăng cường các nền tảng này để hỗ trợ sản xuất lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của dân số toàn cầu đang tăng nhanh.

Báo cáo khẳng định an ninh lương thực phải bao gồm các dịch vụ môi trường từ tự nhiên để đảm bảo nuôi sống dân số thế giới 7 tỷ người hiện nay và 9 tỷ người vào năm 2050. Dây chuyền phân phối lương thực không hiệu quả hiện nay đã làm phức tạp hơn thách thức này khi gây tổn thất hoặc lãng phí tới 1,3 tỷ tấn lương thực, chiếm hơn 33% lượng lương thực con người tiêu dùng hàng năm.

Các biện pháp tăng cường an ninh lương thực hiện nay chỉ tập trung vào 4 trụ cột là sự sẵn có, tiếp cận, sử dụng và ổn định. Các biện pháp này không chú ý đến nền tảng của nguồn tài nguyên và các dịch vụ hệ sinh thái hỗ trợ toàn bộ hệ thống lương thực đang bị phá hoại bởi các hoạt động của con người, như khai thác cạn kiệt các nguồn hải sản, sử dụng nguồn nước không bền vững...

Báo cáo của UNEP nhấn mạnh kỷ nguyên sản xuất lương thực dựa trên sử dụng đầu vào tối đa như phân bón, thuốc trừ sâu… khai thác triệt để các nguồn đất đai màu mỡ và nguồn nước ngọt, cũng như các tiến bộ gắn với cơ giới hóa... đã đạt tới giới hạn cao nhất. Thế giới cần một cuộc cách mạng xanh mới nhưng dựa trên cơ sở hiểu biết tốt hơn về sản xuất lương thực với đầu vào là các nguồn vốn tự nhiên từ rừng, đa dạng sinh học, nguồn nước ngọt...

Báo cáo đề xuất chiến lược rõ ràng để tăng cường nền tảng sinh thái và cải thiện an ninh lương thực, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng lại các hệ thống nông nghiệp bền vững, hệ thống lưu trữ lương thực và các tiêu chuẩn mới về lương thực để giảm lãng phí, thay đổi chế độ ăn uống...

Báo cáo của UNEP nhấn mạnh trong khi nông nghiệp cung cấp tới 90% và các nguồn thủy sản cung cấp 10% tổng lượng calo của thế giới, các ngành hỗ trợ sự sống này đang đứng trước nhiều đe dọa từ những động lực như dân số tăng nhanh, tăng thu nhập và thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, tiến trình đô thị hóa nhanh chóng…

Các mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp xuất phát từ cạnh tranh ngày càng khốc liệt về nguồn nước, các tập quán nông nghiệp truyền thống và thông thường, biến đổi khí hậu, phá rừng và lạm dụng thuốc trừ sâu…

Mối đe dọa các nguồn thủy sản xuất phát từ nạn đánh bắt quá mức, đánh bắt bằng các phương tiện mang tính hủy diệt, môi trường sống ven biển bị tàn phá, chất lượng nước ven biển bị suy thoái, biến đổi khí hậu.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục