Nền tảng quan hệ Nga-Mỹ

Nền tảng thành công cho quan hệ Nga-Mỹ

Lãnh đạo Nga và Mỹ, các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới đánh giá mục tiêu "điều chỉnh lại" mối quan hệ Nga-Mỹ đã thành công.
Mục tiêu "điều chỉnh lại" mối quan hệ Nga-Mỹ đã thành công. Đó là đánh giá của hai Tổng thống Nga và Mỹ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Nga của người đứng đầu Nhà Trắng vừa qua.

Các nhà phân tích chính trị không loại trừ rằng tới đây, việc thực thi những quyết định được thông qua và văn kiện được ký kết trong cuộc gặp này sẽ được gọi là “quyết định lịch sử” và “văn kiện lịch sử”. Bởi không chỉ đơn giản là ông Medvedev và ông Obama đã chôn vùi một cách dứt khoát cái quá khứ gắn với “Chiến tranh Lạnh”.

Điều quan trọng hơn là về thực chất, hai tổng thống đã đặt nền móng cho mối quan hệ tương lai bình đẳng, hiệu quả và cùng có lợi giữa Nga và Mỹ, phục vụ cho lợi ích của nhân dân hai nước cũng như cho toàn thế giới.

Theo giới phân tích chính trị, chuyến thăm Nga của Tổng thống Obama được Mátxcơva xem như một bằng chứng cho thấy nước Nga đã gia nhập trở lại hàng ngũ các cường quốc thế giới.

Còn với Nhà Trắng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga lần này là một cơ hội để thuyết phục Nga ủng hộ các sáng kiến của Mỹ về các vấn đề Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Afghanistan.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Obama đã thừa nhận sự tồn tại một thế giới đa cực mà Nga đề cập đến từ lâu, thừa nhận rằng nước Mỹ không đủ sức một mình chống chọi với những thách thức và đe dọa của thời đại. Đồng thời, ông Obama cũng công nhận vai trò quan trọng của Nga trong thế giới ngày nay.

Nhất trí với quan điểm chung cho rằng kết quả chính của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này là thỏa thuận khung về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) do Mátxcơva và Washington vừa ký kết, bà Nadezhda Arbatova, Tiến sĩ khoa học chính trị, cho rằng "sẽ là ngây thơ nếu chờ đợi sự đột biến ngoài khả năng từ cuộc gặp cấp cao này, sau những năm tháng không chỉ lạnh nhạt, mà cả đối kháng, trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, bản thân chuyến thăm Nga đầu tiên của Tổng thống Mỹ đã là một sự kiện quan trọng".

Còn nhà nghiên cứu chính trị Vyacheslav Nikonov thì tỏ ra hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh. Ông cho rằng kết quả chuyến thăm của Tổng thống Obama "vượt quá sự chờ đợi của cả hai bên. Đã đạt được những thỏa thuận nghiêm túc hơn cả sự mong đợi chỉ cách đây vài ngày, thậm chí vài giờ. Điều rõ ràng là các Tổng thống Obama và Medvedev là những người bước vào hoạt động chính trị sau thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, họ sẵn sàng từ bỏ nhiều khuôn mẫu của quá khứ".

Ông nhấn mạnh tuy chuyến thăm không giải quyết được toàn bộ những bất đồng giữa Nga và Mỹ, nhưng vẫn là một bước tiến vô cùng quan trọng trong quá trình tái khởi động quan hệ quốc tế.

Chủ tịch Học viện Nhận định Chiến lược, ông Alexander Konovalov đánh giá thỏa thuận Nga-Mỹ về vận chuyển quá cảnh vũ khí tới Afghanistan không phải là sự nhượng bộ hay cử chỉ từ thiện, mà là cách giải quyết cho một số lợi ích an ninh của Nga trong khi không cần phí tổn. Ông nêu rõ "đây là thỏa thuận với sự hiểu biết đầy nhận thức về lợi ích chung của hai bên”.

Trong khi đó, ông Charles Ferguson, chuyên gia hàng đầu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) về kiểm soát vũ khí, cho rằng mặc dù hai Tổng thống Obama và Medvedev đã đạt được thỏa thuận khung về cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược của hai nước, nhưng thỏa thuận này không mang tính đột phá trong vấn đề kiểm soát vũ khí.

Ông Ferguson cũng cho rằng "cuộc gặp cấp cao Mỹ-Nga đã đạt được tiến bộ, nhưng không mang tính đột phá và cũng không gây ngạc nhiên".

Về kế hoạch của Chính quyền George Bush triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, ông Ferguson cho rằng "Mỹ và Nga đang thực hiện những bước đi ngoại giao nhằm tiến tới khép lại vấn đề này".

Như Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã thừa nhận, Nga và Mỹ “không thể không hợp tác đối tác”, bởi không một quốc gia nào có thể đơn độc đối đầu với những mối đe dọa trên thế giới ngày nay. Và trong quá trình những cuộc gặp cấp cao vừa qua, Mátxcơva và Washington đã chứng tỏ rằng hai bên đều hiểu rất rõ điều này.

Giới phân tích cho rằng nếu sau đây ban lãnh đạo Mỹ tuân thủ hướng đi với những điều đã hoạch định ở Mátxcơva, thì cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ hẳn có thể trở thành một sự kiện lịch sử đích thực./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục