Nepal lần đầu tiên tổ chức thi hoa hậu cho… voi

Cuộc thi sắc đẹp độc nhất vô nhị vừa được tổ chức tại Nepal không phải dành cho các cô gái xinh đẹp mà là dành cho các cô voi.
Một cuộc thi sắc đẹp độc nhất vô nhị vừa được tổ chức lần đầu tại Nepal không phải dành cho các cô gái xinh đẹp xứ sở vùng núi Himalaya hùng vĩ mà là dành cho các cô… voi.

Tham gia cuộc thi có tổng cộng 20 "người đẹp khổng lồ," song sau vòng loại bằng chạy thi cự ly 300m chỉ còn 6 "cô" voi khỏe mạnh nhất lọt vào vòng bán kết, và tiếp đó là chung kết diễn ra trong hai ngày 28 và 29/12 được tổ chức nhân dịp Lễ hội voi tại Vườn quốc gia Chitwan ở miền Nam Nepal gần biên giới Ấn Độ.

Để lọt vào "mắt xanh" của 5 giám khảo khó tính, các cô voi được lựa chọn vào các vòng cuối phải đáp ứng 10 tiêu chuẩn của những voi đẹp thực sự: thông minh, khoẻ mạnh, dáng đẹp, sạch sẽ, da trơn, trang điểm rực rỡ, v,v...

Trong cuộc thi về trí thông minh, ban giám khảo xem xét xem "cô" voi nào có khả năng hiểu và thực hiện theo những mệnh lệnh đơn giản nhất của quản tượng. Họ cũng xem xét tỉ mỉ xem "cô" nào có đôi tai, đẹp, miệng xinh, đầu ít vết sẹo (chứng tỏ ít bị quản tượng phải dùng búa để thúc ép).

Ngoài ra, các thí sinh dự thi cũng còn phải biết giữ phong thái điềm tĩnh và thể hiện được dáng đi uyển chuyển của mình trên một đoạn đường 25m trước mắt giám khảo và hàng chục nghìn khán giả hò hét cổ vũ.

Kết quả trong số 3 "cô" voi lọt vào vòng chung kết, voi Chanchalkali (tiếng Nepal nghĩa là "vui vẻ và xinh đẹp"), 28 tuổi, trẻ nhất so với hai đối thủ còn lại, đã giành chiến thắng.

Prabhu Chaudhary, 46 tuổi, người chăm sóc và điều khiển Chanchalkali hết sức vui mừng. Ông nói biết chắc thể nào "cô học trò" của ông cũng đoạt vượng miện bởi Chanchalkali không chỉ khỏe đẹp, thông minh, mà còn được ông choàng một tấm vải lớn màu hồng rực rỡ phủ toàn thân, một dây hoa cúc vàng quanh cổ và vẽ nhiều họa tiết đẹp trên trán, vòi, thậm chí cả răng.

Cuộc thi hoa hậu và lễ hội voi đã thu hút hơn 100.000 người, trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài tham dự.

Ngoài xem các trò thi đấu bóng đá giữa các con vật khổng lồ, khách du lịch còn có cơ hội cưỡi voi du ngoạn trong khu Vườn quốc gia Chitwan rộng gần 1.000 km2, nơi sinh sống của rất nhiều động vât quý hiếm như gấu lợn, hổ Bengal, tê giác châu Á một sừng, báo, cá sấu và nhiều đàn chim di cư lớn…

Theo nhà tổ chức Ghanshyam Shrestha, ngoài việc thu hút khách du lịch, một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc thi là tuyên truyền cho dân chúng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và ngăn chặn nạn săn bắn./.

Phạm Thảo/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục