Nét đẹp nghề truyền thống trong ngày Tết ở Huế

Bao đời nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng Sình (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lại tất bật với nghề làm tranh dân gian.
Hàng bao đời nay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng Sình (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lại tất bật với nghề làm tranh dân gian, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống cũng như tâm linh của người dân xứ Huế.

Làng Sình có nghề làm tranh từ cách đây khoảng 400 năm về trước, nổi tiếng khắp xứ Huế và các vùng lân cận, có thể sánh ngang với tranh Đông Hồ. Tuy nhiên điểm khác biệt và độc đáo là tranh làng Sình được làm ra với mục đích là thờ cúng và được đốt đi sau khi cúng.

Theo quan niệm của người dân thì dùng tranh để thờ cúng sẽ gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống. Vì thế mà tranh làng Sình không chỉ cung cấp cho thị trường ở Huế mà có những người từ Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam... cũng tới đặt hàng mua tranh về để sử dụng trong dịp Tết.

Hiện trong làng còn có hơn 30 hộ dân còn gắn bó với nghề truyền thống này. Người lớn thì làm tranh cả ngày, còn trẻ em tranh thủ những lúc rảnh rỗi phụ giúp gia đình làm tranh.

Một người thợ làm nghề lâu năm ở làng Sình cho biết một bức tranh được làm ra đòi hỏi nhiều kỹ thuật công phu. Tranh được in trên bản mộc gỗ được khắc rất tinh xảo. Giấy dùng để in tranh phải là loại giấy dó hoặc giấy mộc quét điệp. Còn màu sắc được tạo nên từ nhiều chất liệu như sò điệp, các loại lá cây.

Quy trình để làm nên bức tranh phải trải qua rất nhiều công đoạn như cào điệp, giã điệp, hồ điệp, pha giấy, phơi giấy, tạo màu, khắc ván, in tranh, tô màu... Và sau cùng là giai đoạn tô màu cho tranh đòi hỏi công phu và sự nhanh nhạy của người làm tranh làng Sình.

Thường tranh làng Sình thực hiện theo bản khắc 12 con vật tượng trưng cho 12 con giáp; cứ mỗi năm thì người dân ở đây lại làm tranh về con vật đó.

Ngoài ra, những hoạt động văn hóa như đấu vật hay kéo co cũng được thể hiện rõ nét trên tranh làng Sình, tạo thành một nét văn hóa trong đời sống của người dân. Tranh làng Sình vì thế có sức sống mãnh liệt, tồn tại mãi với thời gian.

Bên cạnh tranh dân gian làng Sình, xã Phú Mậu còn nổi tiếng với nghề hoa giấy làng Thanh Tiên. Từ khi sen được chọn làm "Quốc hoa" thì nghề làm hoa sen giấy ở Thanh Tiên ngày càng phát triển.

Các công đoạn sản xuất hoa sen đơn giản hơn nhiều so với hoa giấy cổ truyền, nhưng đòi hỏi kỹ thuật và tính chuyên nghiệp cao hơn, gồm nhuộm màu bằng thủ công, lấy cây cọ chấm phẩm rồi quét đều lên mặt giấy, trên đầu chóp sen phải đậm sau đó nhạt dần, nhạt dần xuống đến tận cuốn hoa.

Đây là công đoạn khó nhất trong quá trình làm hoa, phải nhuộm sao cho màu sắc tươi tắn, y hệt như hoa thật là điều không đơn giản, đòi hỏi kinh nghiệm của người làm. Sau đó, quấn giấy bỏ vào ống tre để dập (ép) để tạo ra cánh hoa sen, từ đó dán đầu cánh sen nhỏ lại để tạo nếp nhăn giống cánh hoa sen thật. Cuối cùng là ráp những cánh hoa lại vào trên một cọng que bằng cây mây.

Tuy nhiên, để làm hoa sen giấy thì người làm gặp khó khăn nhất là nguyên liệu cây mây và chọn cọng mây phải nhỏ đều bằng đầu ngón tay út mới phù hợp.

Hoa sen giấy Thanh Tiên được các nghệ nhân ở đây làm quanh năm bởi hoa hiện nay không chỉ góp mặt ở Festilval Huế, Festilval nghề truyền thống Huế, tham gia lễ hội áo dài Minh Hạnh; lễ hội "sóng nước Tam Giang"; lễ hội Đền Huyền Trân công chúa; triển lãm ở "Thuận An biển gọi", ở Hội vật truyền thống làng Sình… mà còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và ra cả nước ngoài như Mỹ, Pháp, Thái Lan…

Ngày thường, hoa sen giấy Thanh Tiên được bán với giá từ 8.000-9.000 đồng/bông, còn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán thì giá bán khoảng từ 10.000-12.000 đồng/bông. Ngoài chi phí các khoảng như giấy, phẩm, keo dán, cọng mây… thì người làm có thu nhập khoảng 80.000 đồng/người/ngày.

Bên cạnh hoa sen, người dân làng Thanh Tiên còn làm hoa giấy để thờ cúng. Theo các cụ cao niên ở làng hoa giấy Thanh Tiên, đối với các vùng quê ở Thừa Thiên - Huế, hoa giấy còn có giá trị tinh thần khác, gắn sâu trong tâm linh của mỗi người dân nơi đây.

Mỗi độ xuân về, người ta vẫn không quên mua vài cành hoa để đặt trên bàn thờ tổ tiên, đặt trên gian bếp. Hoa giấy được cắm đối xứng hai bên bàn thờ, nhiều kiểu cách và màu sắc trông rất bắt mắt, lại thêm một vài nén nhang thơm là "hương vị" ngày Tết như bao trùm cả không gian. Vì vậy, nghề hoa giấy vẫn tồn tại mãi với người dân trên đất Cố đô.../.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục