Nét văn hóa đặc sắc của phiên chợ trâu Hùng Lợi

Chợ bắt đầu họp từ lúc trời tảng sáng cho đến trưa mới tan, có những phiên số lượng trâu, bò mang ra bán lên đến vài chục con.
Cứ thứ 7 hàng tuần, người dân ở các thôn, bản thuộc xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang lại tấp nập dắt trâu, bò ra bãi đất trống bên dòng sông Phó Đáy để trao đổi buôn bán.

Người dân gọi đây là chợ trâu Hùng Lợi.

Hàng hóa ở đây chẳng có gì khác ngoài những chú trâu, bò lừng lững. Chợ bắt đầu họp từ lúc trời tảng sáng cho đến trưa mới tan, có những phiên số lượng trâu, bò mang ra bán lên đến vài chục con.

Không ai biết chính xác chợ trâu được hình thành từ khi nào nhưng giờ đây chợ trâu xã Hùng Lợi đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của một xã thuần nông miền núi.

Anh Lý Văn Dình, dân tộc Tày ở Thôn Quân, xã Hùng Lợi, mang 1 con trâu đến bán, anh cho biết: Con trâu này tôi đã nuôi được 4 năm và có giá 30 triệu đồng, vì cần tiền sửa sang lại nhà cửa và mua sắm vật dụng cho gia đình nên mới bán đi. Từ sáng sớm đã có vài người hỏi mua nhưng trả giá thấp nên tôi chưa muốn bán.

Anh Dình cho biết thêm gia đình anh nuôi 3 con trâu sinh sản, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ tiền bán trâu.

Tại chợ trâu Hùng Lợi, có rất nhiều loại trâu, bò được đem bán từ những chú nghé nhỏ đến cả những con trâu mộng to hay những con bò sinh sản và có nhiều mức giá khác nhau. Trâu, bò nhỏ có giá từ 7 đến 10 triệu/con, còn trâu lớn, bò sinh sản có giá từ 30 đến 40 triệu/con… nếu khách ưng ý, thỏa thuận giá cả hoàn tất thì việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng.

Những con trâu, bò từ khắp các thôn, bản được đem đến chợ, có con tỏ ra hiền lành nhưng cũng có con mang cặp mắt đỏ ngầu sẵn sàng húc bất cứ ai đi ngang qua. Khách đi chợ xem trâu, xem bò cũng phải lựa, người bán thì luôn phải căng mắt canh chừng đảm bảo an toàn cho khách đến mua và tránh cho chúng húc nhau.

Anh Hoàng Văn Đình ở thôn Làng Chương cho biết: Tôi hay mua lại trâu của một số người dân trong thôn, bản, nuôi vỗ béo một thời gian rồi đem đến chợ bán, mỗi con thu lãi khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng. Khi còn nhỏ, tôi hay theo bố đến đây bán trâu, chợ này có từ khi nào tôi cũng không biết nữa.

Chị Lầu Thị Dí, dân tộc Mông, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi phấn khởi cho biết: Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cho vay một con bò sinh sản, sau 1 năm nuôi dưỡng đã sinh được bê con, tôi đã trả nợ bê. Hôm nay, gia đình tôi mới bán con bê tiếp theo được 10 triệu đồng để chuẩn bị làm đám cưới cho con trai.

Khách mua trâu, bò chủ yếu là những người ở địa phương khác, ngoài những người mua trâu, bò về để lấy sức kéo hay để làm thịt thì cũng có những người đến đây tìm những con trâu tốt để nuôi dưỡng trở thành trâu chọi.

Theo nhiều lái buôn kể lại, họ đến đây mua trâu, bò về xuôi phục vụ cày, bừa hoặc làm thịt nhưng nhiều lần để ý thấy những con trâu có nhiều khả năng trở thành trâu chọi nên đã nuôi dưỡng, huấn luyện rồi bán chúng lại cho những tay chơi trâu chọi chuyên nghiệp và đã có những con trâu đạt được giải cao trong các Lễ hội chọi trâu.

Từ đó chợ trâu Hùng Lợi trở thành điểm hay lui tới của những tay buôn trâu, mua trâu chọi. Người ta đến chợ, không chỉ để mua trâu mà còn là dịp được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cách chọn trâu, cách nuôi trâu cho béo, khỏe… và còn bao chuyện khác xoay quanh những con vật được coi như là “đầu cơ nghiệp.”

Chợ trâu Hùng Lợi là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của một vùng quê miền núi, chợ không chỉ thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển mà còn góp phần gìn giữ nghề nuôi trâu, bò lâu đời của bà con nơi đây.

Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hùng Lợi cho biết: Chợ trâu, bò góp phần tạo thêm thu nhập cho nhân dân trên địa bàn xã, nhất là những lúc nông nhàn. Trong tương lai, xã sẽ có chủ trương quy hoạch để đưa chợ vào hoạt động quy củ, chất lượng hơn./.

Quang Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục