Nét văn hóa độc đáo Tết của đồng bào Mông Pác Nặm

Tết của đồng bào Mông nơi đây vẫn có nhiều nét riêng, ẩn chứa trong đó đời sống văn hoá tinh thần độc đáo và khu biệt.

Từ nhiều năm nay, người Mông ở Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã ăn Tết truyền thống cùng với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, Tết của đồng bào Mông nơi đây vẫn có nhiều nét riêng, ẩn chứa trong đó đời sống văn hóa tinh thần độc đáo và khu biệt.

Cũng như những dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Mông ở Pác Nặm giờ đây coi Tết Nguyên đán là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm. Nên nhà nào cũng đều chuẩn bị đầy đủ gạo nếp nương để làm bánh, mổ lợn thịt ăn trong dịp Tết. Trong những ngày cuối năm, nhà nhà đều tất bật, mọi thành viên trong gia đình phải phân công mỗi người một việc, phụ nữ thì gói bánh, dọn dẹp nhà cửa, nam giới thì mổ lợn.

Theo quan niệm của người Mông, năm nào mổ lợn to năm đó có sự thành công và thắng lợi lớn. Do vậy, nhà nào cũng phải nuôi lợn từ đầu năm để cuối năm có lợn vừa to vừa béo làm thịt, để có những miếng thịt ngon bày cúng trước bàn thờ tổ tiên và báo công với các vị thần linh. Do tính tự cung tự cấp nên cũng giúp đồng bào vùng cao giảm bớt chi phí cho việc lo sắm Tết.

Ngược lên thôn vùng cao Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm vào những ngày cuối năm, không khí đón Xuân nơi đây rất náo nhiệt. Người gánh nước, người chẻ củi, người đi chúc tết, trẻ nhỏ thì tung tăng khắp bản khoe áo mới và chờ đợi người lớn mừng tuổi. Trên những triền núi, những đôi trai gái với áo quần sặc sỡ, tinh tươm đang trao nhau những ánh mắt, những điều chúc tốt lành và những câu hát giao duyên.

Ghé thăm gia đình anh Ngô Thị Dựa, đúng lúc gia đình chị gói bánh chưng. Được xem và tham gia gói bánh cùng, chúng tôi cảm thấy rất thú vị và cái tết thêm ấm áp hơn. Chị Dựa cho biết: Bánh chưng là món không thể thiếu đối với nhiều gia đình người Mông.

Đây không chỉ là món ăn được nhiều người thích mà quan trọng việc gói và luộc bánh giúp các thành viên trong gia đình sum vầy, gắn bó với nhau hơn. Đúng như lời chị Dựa nói, đi quanh thôn chúng tôi gặp rất nhiều hình ảnh người đi lên rừng cắt lá dong, người gói bánh, khói bếp toả thơm mùi bánh chưng, không khí tết la tỏa khắp núi rừng.

Theo phong tục của đồng bào Mông, trong 3 ngày Tết mọi người không làm việc nặng nhọc và nếu có nuôi trâu, bò, lợn, gà thì cũng phải chuẩn bị đầy đủ rau cỏ và nấu cám xong trước khi đón giao thừa. Phong tục này giúp cho đồng bào vùng cao có khoảng thời gian nghỉ ngơi thật sự sau một năm lao động mệt nhọc, cùng đón niềm vui để tạo tinh thần hăng say cho một năm mới với những ước vọng tốt đẹp hơn.

Một nét rất dễ nhận thấy trong cách bày trí căn nhà của người Mông trong dịp Tết là những tờ giấy mầu được dán ở khắp nơi. Chủ nhà chuẩn bị giấy màu cắt thành những hình thù khác nhau giống như những chiếc bùa và khoảng 1 đấu ngô kèm theo mấy cành lá tre để làm lễ.

Sau lễ cúng, gia chủ tiến hành vãi ngô xung quanh nhà và lấy cành tre xua qua lại trong nhà để đuổi tà ma và những điều không may mắn đi rồi sai con cháu dán hết giấy vàng, xanh, đỏ lên chuồng lợn, gà, trâu bò để nghỉ Tết. Khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên.

Đêm giao thừa, nhà nhà đều ôn lại những câu chuyện của năm cũ, hay hát những bài hát truyền thống đón xuân. Bếp lửa của đồng bào Mông trong 3 ngày Tết không lúc nào tắt mà luôn cháy rực để sưởi ấm cho gia chủ, tổ tiên khi các cụ về ăn Tết và thể hiện sự ấm cúng trong gia đình, mong một năm luôn no đủ.

Ông Hoàng Hữu Tổ, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Pác Nặm cho biết, người Mông giờ ăn tết truyền thống không còn kéo dài và các thủ tục rườm rà cũng được cắt bỏ, thay vào đó họ ăn tết giản dị mà không kém phần ấm cúng, đầy đủ. Các nét đẹp văn hóa, những lễ nghi, bài cúng tế mang đậm bản sắc dân tộc vẫn được lưu giữ. Tết là dịp đoàn viên, sum họp của các gia đình, thể hiện sự gắn kết của cộng đồng người Mông nói riêng và các dân tộc khác nói chung.

Người Mông thường rất hiếu khách và cho rằng có nhiều khách đến trong những ngày Tết thì sẽ gặp nhiều điều may mắn. Vì thế, chủ nhà thường chuẩn bị rượu và thức ăn ngon để thiết đãi khách đến nhà cùng chung vui, chúc mừng nhau những điều hạnh phúc, may mắn. Sinh sống ở vùng núi cao nhưng với bản tính thân thiện, cởi mở vào dịp vui xuân đồng bào Mông vẫn qua lại thăm hỏi nhau dù cách xa nhiều quả núi. Hiếu khách là thế, song trong quan niệm của người Mông, ngày mùng một Tết thường kiêng phụ nữ đến nhà vì họ cho rằng sẽ gặp điều không may.

Giống như người Sán Chỉ hay người Hoa, người Mông cũng thường chọn hướng tốt để cầu may. Theo quy ước chung, những đỉnh núi cao nhất hoặc những cây cổ thụ to nhất trong thôn sẽ được chọn là địa điểm mọi người đến cúng tế.

Vào mờ sáng ngày mùng một Tết, mỗi nhà cử một người mang theo một con gà sống, một chai rượu, hương, tiền vàng đến địa điểm đã được chọn để tế lễ trời và các thần linh. Sau khi tế lễ xong mọi người sẽ thịt gà và ăn hết những lễ vật đem cúng tế mà không được mang về.

Hoạt động mang ý nghĩa tâm linh này của đồng bào Mông có ngụ ý cầu xin những điều tốt lành cho năm mới, momg may mắn sẽ đến, mùa màng bội thu. Trong dịp Tết còn diễn ra các lễ hội, các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, đẩy gậy, thi đẽo đòn gánh, cấy lúa nhanh…

Tết Nguyên đán là dịp để đồng bào Mông sum họp và vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những trò chơi, những bài hát, tiếng khèn như kết nối mọi người gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết của đồng bào trong thôn bản. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông thể hiện trách nhiệm gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục