Sẽ phải xây phố cổ giả?

Nếu không bảo tồn, Hà Nội phải xây... phố cổ giả

Hà Nội thu hút du khách là nhờ phố cổ, khách du lịch đến Hà Nội không phải để xem những ngôi nhà cao tầng hay khu phố giả cổ.
Một quan chức văn hóa Italy nhấn mạnh, Hà Nội khác những thành phố khác trên thế giới và thu hút được khách du lịch chính là nhờ phố cổ, khách du lịch đến Hà Nội không phải để xem những ngôi nhà cao tầng hay những khu phố giả cổ.

Phát biểu tại hội thảo ngày 15/9 về phát huy giá trị và bảo tồn nhà cổ trong khu phố cổ Hà Nội, ông Cesare Bieller - Trưởng phòng Chính trị và Văn hóa Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết ông từng thấy rất buồn khi mỗi lần trở lại Hà Nội lại thấy một số công trình bị phá hủy. "Nếu người Hà Nội không ý thức bảo tồn nhà cổ thì 20 năm nữa sẽ phải xây lại những khu phố cổ giả ở ngoại thành," ông nói.

Mục đích chính của hội thảo - do Đại sứ quán Italy tại Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm, Hà Nội) - nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ địa phương về công tác quản lý phố cổ Hà Nội.

Những ý kiến từ cuộc thảo luận này cũng chính là vấn đề đã, đang và sẽ tiếp tục được bàn bạc vì một Hà Nội ngàn năm.
 
Đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, Thanh tra Xây dựng TP Hà Nội, Phòng Quản lý đô thị TP Hà Nội và các đại biểu đã cùng thảo luận về những khó khăn trong công tác bảo tồn phố cổ, bên cạnh đó là những kinh nghiệm bảo tồn phố cổ của nước bạn.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định cần phải hiểu rõ giá trị của Phố cổ là ở tính liên tục, sự đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là không gian đô thị. Việc bảo tồn phố cổ là một trong 11 nhiệm vụ của Thủ đô Hà Nội mở rộng.

Ông Cesare Bieller cho biết theo kinh nghiệm của Italy, bản thân chính quyền thành phố Genova đã từng có nhiều kinh nghiệm trong việc trùng tu bảo tồn phố cổ. Việc chính quyền thành phố tập trung đầu tư phục hồi, sau 20 năm những ngôi nhà cổ này đã có giá trị hơn không chỉ về mặt văn hóa mà còn về kinh tế.

Theo ông Nguyễn Tuấn Long - Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, hiện nay khu phố cổ có diện tích 100ha gồm 10 phường từ Bắc Hoàn Kiếm liên hệ tới Hoàng Thành Thăng Long (Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào). Chính vì thế việc đồng bộ gìn giữ được phố cổ là rất khó. Song đó là việc phải làm.

Hướng dẫn cải tạo nhà phố cổ không mất "gốc" cổ

Tại hội thảo có những bàn bạc, hướng dẫn nhận thức chung về các loại công trình nhà cổ, gợi ý làm thế nào để cải tạo nhà cổ mà không mất đi nét cổ, hướng dẫn về bảng biển quảng cáo trong phố cổ, hướng dẫn cải tạo nhà cổ, gợi ý về các loại cửa ra vào như cửa truyền thống Việt Nam, cửa nhà thuộc địa Pháp, cửa nhà Art-Deco. Có thể thấy đây là một hội thảo bổ ích với các nhà quản lý về mặt xây dựng, cải tạo nhà trên địa bàn dân cư thuộc 10 phường của khu phố cổ Hà Nội.

Trong việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ, quan trọng nhất là vai trò của cộng đồng, ý thức của người dân. Vai trò của người dân rất quan trọng trong việc bảo tồn phố cổ. Để hướng dẫn người dân phố cổ xây dựng nhà mới theo kiến trúc xưa, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã đưa ra một số khuyến nghị về kiến trúc xây dựng nhà cổ trên quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, người dân khi cải tạo hay xây mới, lập thiết kế mặt theo kiểu nhà truyền thống, kiểu nghệ thuật. Màu sơn nhẹ, vật liệu xây dựng là vôi, cát, ximăng phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Màu sơn có gam nhẹ như vàng, trắng; không dùng màu sẫm, nóng; sử dụng ngói vảy cá, ngói tây.

Đặc biệt, các loại biển bảng quảng cáo cần làm đơn giản, không che khuất mặt đứng của ban công, cửa sổ, mái đua, không vượt quá 80cm. Biển quảng cáo ở tầng một không được che khuất tầng 2, biển trên gác chỉ gắn lên tường chứ không để lên ban công. Ngoài ra, quy định cũ vẫn được áp dụng như chiều cao công trình không được quá 12m đối với những nhà mặt phố.

Bên lề hội thảo còn có những bàn bạc rất được quan tâm như cần phải có quy định về kinh doanh buôn bán trong phố cổ. Đơn cử như có nên quy định  phố “Hàng...” gì thì chỉ được bán mặt hàng đó. Nếu vậy thì những gia đình không bán loại hàng hóa này nằm trong phố phải giải quyết ra sao?

Các đại biểu bày tỏ hy vọng sau khi có Luật Thủ đô thì sẽ có cơ chế đặc biệt để bảo tồn phố cổ. Tuy nhiên không thể chờ  Luật bằng cách cứ khoanh tay chịu thêm những trường hợp tiếp tục vi phạm, để sau phải phá dỡ hoặc tốn công của sửa chữa, điều chỉnh./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục