New York Times: Trung Quốc làm tăng căng thẳng Biển Đông

The New York Times cho rằng Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng với việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực tranh chấp mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
New York Times: Trung Quốc làm tăng căng thẳng Biển Đông ảnh 1Giàn khoan dầu HD-981 của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)

Bài viết đăng trên The New York Times của Mỹ đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Trung Quốc đã làm gia tăng tình hình căng thẳng Biển Đông với việc lần đầu tiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới khu vực tranh chấp mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.

Theo bài viết, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho các nước trong khu vực cảm thấy bị đe dọa hơn bởi yêu sách lãnh thổ theo chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Giàn khoan thuộc quyền sở hữu của một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đã được đưa tới vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1/5. Sau khi phía Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung Quốc đã điều 80 tàu tới khu vực trên. Hà Nội đáp trả bằng việc cử 35 tàu tới ngăn chặn hoạt động của giàn khoan. Tình hình trở nên căng thẳng hơn vào ngày thứ Tư (7/5) khi Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng bắn vào một số tàu Việt Nam. Sáng thứ Năm (8/5), một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc phía Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần trong vòng 4 ngày và cho rằng việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng thể hiện sự kiềm chế tối đa và hợp lý bởi lẽ việc khoan dầu được tiến hành trong "lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc". Đến ngày thứ Sáu (09/5), Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cổ súy cho hành vi của Việt Nam.

Bài viết cho rằng những lập luận phản đối của Trung Quốc không mang tính thuyết phục vì lý do sẽ chẳng có đối đầu nếu nước này không triển khai giàn khoan. Việt Nam lên tiếng rằng công trình này được đặt trong thềm lục địa mà Việt Nam có đặc quyền khai thác hydro carbon và các tài nguyên khoáng sản theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trung Quốc phản đối lập luận trên. Nước này đã nêu yêu sách chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông - tuyến đường thương mại sống còn của thế giới. Do đó, Trung Quốc hiện đang có xung đột với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan, những quốc gia đang cạnh tranh lợi ích với nước này về vùng biển, các đảo và các bãi đá.

Một số chuyên gia cho rằng phía Trung Quốc triển khai giàn khoan vì các trữ lượng dầu và khí đốt mới được phát hiện gần đó. Nhưng động thái này cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Tổng thống Obama và mối quan tâm đang ngày càng gia tăng của ông đối với khu vực châu Á.

Trong chuyến công du châu Á mới đây, ông Barack Obama đã tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ các đảo tranh chấp trong khu vực biển Hoa Đông theo hiệp ước an ninh mà nước này đã ký kết với Nhật Bản, đồng thời củng cố cam kết hiệp ước với Philippines. Washington hiện không đứng về phía nào trong các tranh chấp trên biển nhưng khẳng định các tranh chấp này phải được giải quyết một cách hòa bình.

Thứ Năm vừa qua (8/5), Trung Quốc đề nghị đàm phán với Việt Nam, nhưng với điều kiện Việt Nam rút các tàu của mình. Hồi tháng Ba, Philippines - quốc gia thường xuyên đối đầu với Trung Quốc liên quan các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đã đưa tranh chấp một bãi đá nhỏ với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở La Haye theo công ước luật biển.

 

Theo bài viết, Việt Nam cũng nên theo đuổi cách giải quyết tương tự như vậy. Mặc dù là một thành viên tham gia ký kết công ước, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào thủ tục tài phán quốc tế đối với một số vấn đề lãnh thổ. Nếu Trung Quốc thực sự tin rằng mình có quyền khoan dầu ở gần Việt Nam, nước này không nên lo lắng khi phải bảo vệ yêu sách theo cơ chế giải quyết tranh chấp được quốc tế thừa nhận này.

Trước các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia láng giềng cần có phản ứng thống nhất. Cuộc họp thượng đỉnh của các quốc gia Đông Nam Á ở Myanmar cuối tuần này sẽ là cơ hội để đưa ra một phản ứng như vậy.

Phản ứng đó nên bao gồm việc ủng hộ việc tòa án La Haye phân xử các yêu sách trên biển, đồng thời gạt bỏ viễn cảnh về các dự án phát triển dầu khí chung với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục