New Zealand chật vật đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Sự việc bắt nguồn từ cuối năm 2018, khi New Zealand thông báo cấm Huawei, Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, tham gia xây dựng mạng 5G.
New Zealand chật vật đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Việc Trung Quốc đang vươn mình chạm tới mọi ngóc ngách của khu vực Thái Bình Dương đã khiến New Zealand nhận ra các rắc rối bủa vây lãnh thổ.

Trong bài viết đăng trên kênh truyền thông ABC của Australia, nhà báo Robert Burton-Bradley tiết lộ New Zealand hiện chờ đợi một báo cáo lớn về can thiệp nước ngoài, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này.

Tác giả nhận định Mỹ và Australia đều thể hiện sự lo ngại về khả năng Trung Quốc gây ảnh hưởng tại Thái Bình Dương thông qua bẫy nợ và các dự án xây dựng. Nhưng dường như New Zealand đã bị bỏ quên, trong bối cảnh các báo cáo gián điệp của Bắc Kinh ngày càng tăng.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.

Đứng trước các tuyên bố về ảnh hưởng không đáng có của Bắc Kinh, Chính quyền liên minh New Zealand thể hiện sự chia rẽ rõ rệt về các quyết sách đối phó.

Tuần này, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Winston Peters nói với giới truyền thông New Zealand rằng các luật liên quan tới can thiệp nước ngoài, tương tự như các luật do Australia đã ban hành, đang được xem xét.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo trong ngày 11/3, Thủ tướng Jacinda Ardern lại tỏ ra không biết về bất cứ một luật mới nào.

Bà Ardern cho biết vẫn đang chờ kết luận của Ủy ban Quốc hội xem xét sự can thiệp nước ngoài, trước khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào đối với các quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, ông Peters, lãnh đạo Đảng New Zealand Trước tiên, liên Đảng cầm quyền hợp tác với Công đảng của bà Ardern, đã từng lên tiếng mạnh mẽ về sự can thiệp của Trung Quốc.

Sự mất kết nối giữa hai bên cho thấy các dấu hiệu căng thẳng mà đất nước này phải đối mặt khi vật lộn để đối phó với ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc.

[New Zealand thận trọng ra quyết định liên quan đến Huawei]

Theo tiến sỹ Reuben Steff thuộc Đại học Waikato, chuyên gia chính sách đối ngoại của New Zealand, tình huống bắt nguồn từ việc làm thế nào để đối phó với cả Trung Quốc và công dân nước này trong bối ảnh chịu áp lực nặng nề của Washington hoặc Bắc Kinh.

Sự việc bắt nguồn từ cuối năm 2018, khi New Zealand thông báo cấm Huawei, Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, tham gia xây dựng mạng 5G.

Mặc dù bà Ardern phủ nhận nhưng phía Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng bằng cách tung ra một bài báo trên kênh truyền thông nhà nước, cho rằng Trung Quốc đã bị “đâm sau lưng.”

Không chỉ vậy, một sự kiện du lịch lớn đã bị hủy bỏ, các chuyến bay của hãng hàng không Air New Zealand phải quay đầu về nước và số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học tại các trường đại học của New Zealand sụt giảm nhanh chóng, trong khi một thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia đã bị hủy bỏ.

Trung Quốc cố gắng "hướng dẫn, mua hoặc ép buộc" New Zealand

Những lo ngại về sự can thiệp nước ngoài vào New Zealand bùng lên từ cuối năm 2017 khi Giáo sư Anne-Marie Brady công bố bản nghiên cứu có tên “Vũ khí ma thuật,” trong đó trình bày chi tiết về quy mô mục tiêu can thiệp của Trung Quốc vào New Zealand.

Giáo sư Brady viết: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) cố gắng hướng dẫn, mua chuộc hay ép buộc lan rộng ảnh hưởng chính trị.”

Sau khi bản nghiên cứu được công bố, nhà của giáo sư Brady bị đột nhập, ôtô bị lục soát. Giáo sư cho biết bà đã nhận được những lá thư và các cuộc điện thoại đe dọa…

Thậm chí, một tuần trước đây, giáo sư Brady thông báo bị cấm tranh luận trong cuộc điều tra của Ủy ban Quốc hội về sự can thiệp nước ngoài do ông Raymond Huo, chính trị gia Công đảng thực hiện.

Ông Huo là nhân vật mà giáo sư Brady chỉ đích danh trong nghiên cứu của mình, có liên kết rộng rãi với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ông này phủ nhận.

Một ngày sau đó, Ủy ban kiểm soát chính phủ quyết định lùi thời hạn tranh luận và cho phép Giáo sư Brady được ra làm chứng.

Theo các nhà quan sát, điều này thể hiện nỗi sợ hãi của chính phủ trong việc xử lý các tình huống phi dân chủ.

Trong khi các chính trị gia của New Zealand tỏ ra thận trọng xung quanh vấn đề Trung Quốc thì các cơ quan an ninh của Xứ Kiwi lại ngày càng bày tỏ quan ngại đối với quy mô can thiệp nước ngoài vào lãnh thổ.

“Khiêu vũ với rồng là cuộc làm ăn nguy hiểm của người dân Kiwi”

Kết quả điều tra của Ủy ban Quốc hội về sự can thiệp nước ngoài sẽ được theo dõi chặt chẽ tại New Zealand cũng như các phản ứng chia rẽ của chính phủ liên minh về các khuyến nghị.

Một số biện pháp song song đã được thực hiện- giống như Australia, New Zealand bắt đầu nỗ lực thu hút sự chú ý tại Thái Bình Dương, bằng việc tăng các khoản viện trợ trị giá hàng triệu đôla trên khắp các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.

Nhưng theo tiến sỹ Steff, khác với Australia, New Zealand cẩn thận hơn khi thông qua các luật can thiệp nước ngoài, phần lớn là do quốc gia này vốn là “một người chơi nhỏ” hơn trong các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, New Zealand cũng có một loạt các ưu tiên địa chính trị khác với Australia.

Tiến sỹ Steff viết: “Đối với Australia, việc đảm bảo nằm trong quỹ đạo của Mỹ được xem là bước đi quan trọng đảm bảo an ninh trong dài hạn. Đối với New Zealand, đe dọa địa chính trị không phải là ưu tiên hàng đầu và không được đưa vào cân nhắc chính sách đối ngoại như những gì Australia đã thực hiện.”

Theo tiến sỹ Steff, những người ủng hộ Trung Quốc tại New Zealand đã tích cực tham gia kiểm soát thiệt hại kể từ khi mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu bị xói mòn sau sự kiện Huawei vào năm ngoái.

Tiến sỹ Steff phân tích: "Các lợi ích và tổ chức ở New Zealand hỗ trợ làm sâu sắc thêm quan hệ New Zealand-Trung Quốc hiện đang chơi phòng thủ và không rõ Trung Quốc làm thế nào thoát khỏi tình huống này.

Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Stephen Jacobi- nhà điều hành một tổ chức thân Trung Quốc, thành viên của Hội đồng Trung Quốc-New Zealand- công khai thừa nhận bối cảnh thay đổi.

Điều này cho thấy, khiêu vũ với một con rồng, rốt cục, cần được xem là cuộc làm ăn mạo hiểm đối với người dân "Xứ Kiwi," thậm chí vào thời điểm tốt nhất”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục