New Zealand triệu tập thuyền trưởng tàu gây tràn dầu

Tòa án thành phố Tauranga đã triệu tập thuyền trưởng tàu chở hàng Rena do gây thảm họa tràn dầu nghiêm trọng tại khu vực.
Ngày 12/10, tòa án thành phố Tauranga của New Zealand đã triệu tập Mauro Balomanga, thuyền trưởng người Philippines của tàu chở hàng Rena, hiện bị mắc kẹt ở một vỉa đá ngoài khơi New Zealand gây thảm họa tràn dầu nghiêm trọng tại khu vực.

Thuyền trưởng Balomanga bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khiến các địa phương của New Zealand đối mặt với thảm họa ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Theo các nguồn tin địa phương, ông Balomanga mới đảm nhiệm vị trí thuyền trưởng tàu Rena từ tháng Ba năm nay. Trước mắt, ông Balomanga sẽ phải đối mặt với án phạt tương đương 7.800 USD hoặc 12 tháng tù giam. Hiện, vị thuyền trưởng này đang được tại ngoại sau khi bị bắt giữ và sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 19/10 tới.

Như tin đã đưa, ngày 5/10 vừa qua, tàu chở hàng Rena, mang cờ Liberia và có trọng tải 47.000 tấn, đã đâm vào vỉa đá và mắc kẹt tại khu vực biển ngoài khơi thị trấn Tauranga, khiến 70 container hàng rơi xuống biển và gây nên sự cố tràn dầu nghiêm trọng. Cơ quan Hàng hải New Zealand (MNZ) cho biết đã có hơn 300 tấn dầu bị rò rỉ ra vịnh Plenty và lo ngại có khả năng con số này sẽ tăng lên vì điều kiện thời tiết xấu.

Theo MNZ, tàu Rena chở 1.368 container, song rất may 11 container chứa hóa chất độc hại vẫn còn ở trên bong tàu. Hiện một tàu cần trục đã được điều động từ Singapore đến nơi con tàu bị nạn để di chuyển toàn bộ số container còn lại khỏi con tàu Rena.

Giới chức New Zealand lo ngại nguy cơ thảm họa ô nhiễm biển tồi tệ nhất từ nhiều thập niên qua ở quốc đảo này nếu tàu Rena bị vỡ, khiến cho toàn bộ 1.700 tấn dầu nặng tràn ra biển. Người dân ven biển đã phát hiện một số lượng lớn chim và cá chết trên bờ biển, một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cho biết số chim bị chết có thể lên tới 500 con trong những ngày tới.

Vịnh Plenty, nằm ở đầu mũi của "Hòn đảo phương Bắc", được coi là một trong những khu sinh quyển quý của New Zealand. Hiện trên vịnh có hai khu bảo tồn biển và là khu vực sinh sống của rất nhiều loài như cá heo, cá voi, hải cẩu và chim cánh cụt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục