Newcastle khởi động quá trình tái thiết

Sau thất bại 0-1 trước Aston Villa trong trận đấu cuối cùng của giải Ngoại hạng Anh mùa bóng 2008-2009 diễn ra vào cuối tuần trước, Newcastle chính thức bước vào một chương mới trong cuốn biên niên sử của mình.

Sau thất bại 0-1 trước Aston Villa trong trận đấu cuối cùng của giải Ngoại hạng Anh mùa bóng 2008-2009 diễn ra vào cuối tuần trước, Newcastle chính thức bước vào một chương mới trong cuốn biên niên sử của mình.
 
Sau gần 16 năm chinh chiến ở giải đấu cao nhất nước Anh, được sống trong không khí bóng đá ngập tràn cảm xúc của những trận đấu nảy lửa với các đại gia bóng đá Anh và thế giới, từ nay, Newcastle sẽ bắt đầu phải làm quen với một cuộc sống "hạng hai" đúng nghĩa - những đối thủ hạng hai, những sân bóng hạng hai... Đó quả là một thực tế phũ phàng với một đội bóng 10 năm trước còn được coi là một thế lực ở Premier League, 5-6 năm trước còn cạnh tranh vé dự Champions League, và cho tới tận giữa mùa này còn được nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ phải xuống hạng.
 
Nhưng phũ phàng hay không, thực tế vẫn là thực tế. Và giờ, thay vì mơ mộng về những ngày tươi đẹp chưa xa hay than vãn về thực tại buồn thảm, Newcastle cần chấp nhận một điều rằng đối thủ của họ bây giờ không phải là Manchester United, Arsenal hay Chelsea, mà sẽ là những Doncaster, Preston North End, Cardiff..., và mục tiêu của họ cũng không còn là một tấm vé dự các cúp châu Âu, mà là một suất thăng hạng trở lại Premier League. Càng sớm chấp nhận được thực tế ấy, Newcastle càng sớm có quyết tâm quay về mái nhà vua Premier League.
 
Trên lý thuyết, một đội bóng như Newcastle, với một đội hình toàn những hào thủ ngoại hạng như Owen, Duff, Coloccini... sẽ chẳng mấy khó khăn để kết thúc giải hạng Nhất mùa tới trong nhóm 3 đội dẫn đầu và giành vé lên thẳng Premier League.
 
Nhưng thực tế lại khác. Bởi với việc tụt hạng, thu nhập của Newcastle sẽ bị hụt đi một khoản không nhỏ (chênh lệch giữa Premier League và giải hạng Nhất lên tới 60 triệu bảng, chưa tính tiền vé), buộc họ không còn cách nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu của mình.
 
Hiện tại, quỹ lương của Newcastle lên tới 70 triệu bảng, trong khi với tình trạng ít khán giả, giá vé thấp và thu nhập từ truyền hình "bèo bọt" ở giải hạng Nhất, một đội bóng không muốn phá sản sớm không được tiêu quá 1/5 con số ấy.
 
Đây mới chính là thực tế khắc nhiệt nhất. Lúc này, ban lãnh đạo Newcastle đang đàm phán với huấn luyện viên tạm quyền Alan Shearer về một bản hợp đồng dài hạn, trong đó yêu cầu đầu tiên của họ là vị huấn luyện viên trẻ phải đưa ra được  một kế hoạch cải tổ hợp lý nhất trong hoàn cảnh mới.
 
Ngược lại, Shearer cũng yêu cầu được nắm toàn quyền quyết định ở đội bóng, bởi anh biết trong cuộc cách mạng mà mình sắp sửa tiến hành, sẽ có rất nhiều nhân vật "cộm cán" bị động tới.
 
Nhưng dù là ban lãnh đạo hay Shearer chiếm ưu thế trên bàn thương thảo, có một điều chắc chắn xảy ra: Newcastle bắt đầu mùa giải mới không phải bằng việc mua về những ngôi sao mới, mà là đẩy đi những ngôi sao, chính xác hơn là những kẻ đang hưởng lương ngôi sao, trong đội hình hiện tại.
 
Nếu chính thức nắm quyền ở Newcastle, việc làm đầu tiên của Shearer sẽ là yêu cầu ban lãnh đạo không gia hạn hợp đồng với những kẻ không đóng góp được bao nhiêu cho đội bóng mà lại hàng tuần hưởng những mức lương cáo ngất ngưởng, trong đó ngoài những Mark Viduka, Cacapa và Lovenkrands còn có cả người đá cặp một thời của Shearer ở đội tuyển Anh là Michael Owen.
 
Nhiệm vụ tiếp theo sẽ là tìm người mua những Coloccini, Geremi, Martins, Alan Smith, Jose Enrique, Jonas Gutierrez..., cũng là những kẻ đã khiến câu lạc bộ bỏ hàng đống tiền để đưa về và hàng đống tiền khác để trả lương song rốt cuộc không làm được gì cho xứng đáng với số tiền ấy.
 
Bán được đội ngũ "triệu phú ăn hại" ấy, Newcastle sẽ giải quyết được cùng lúc hai vấn đề: giảm tải gánh nặng về lương và tăng ngân sách cho mùa giải mới.
 
Ở St James' Park, giông bão thực sự còn chưa bắt đầu./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục