Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ liên quan tới Medicaid

Giới chức Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc 49 nhà ngoại giao Nga làm việc tại New York gian lận để hưởng ưu đãi từ dịch vụ y tế cho người có thu nhập thấp (Medicaid).
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ liên quan tới Medicaid ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Nga lại xuất hiện sau khi 49 nhà ngoại giao Nga làm việc tại thành phố New York bị cáo buộc có hành động gian lận để hưởng ưu đãi từ dịch vụ y tế cho người có thu nhập thấp (Medicaid), gây thiệt hại 1,5 triệu USD cho ngân sách của thành phố này.

Giới chức Nga đã ngay lập tức ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc này.

Hãng tin Nga ITAR-TASS ngày 5/12 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định các cáo buộc này phục vụ cho "những thế lực bị hội chứng Nga ám ảnh," đồng thời cho thấy ý đồ của một số đối tượng tại Washington muốn gây phương hại sự tiến triển hợp tác Nga-Mỹ trong giải quyết các vấn đề xung đột của thế giới.

Ông Ryabkov cho rằng hành động theo dõi các nhà ngoại giao là bất hợp pháp và lấy làm thất vọng vì Mỹ đã không thảo luận với Nga về vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao.

Trước đó, báo chí sở tại cho biết theo đơn kiện được thụ lý tại Tòa án quận Manhattan, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra trong vòng 18 tháng qua và phát hiện những sai phạm của các nhà ngoại giao Nga cùng người thân của mình nhằm được hưởng dịch vụ Medicaid.

Trong số những người bị cáo buộc, có cả những người đã và đang làm việc cho Phái đoàn ngoại giao Nga tại Liên hợp quốc và Lãnh sự quán Nga tại New York.

Một nguồn tin ngoại giao đề nghị không nêu danh tính nhận định đây là hành động có chủ ý của Mỹ nhằm hạ uy tín của Nga vì các bị đơn đều có quyền miễn trừ ngoại giao và từ chối hầu tòa.

Trên thực tế, không chỉ các nhà ngoại giao Nga mà giới ngoại giao của nhiều nước khác tại New York cũng đều đăng ký hưởng các dịch vụ y tế cho người có thu nhập thấp.

Medicaid là một trong nhiều chương trình hỗ trợ y tế cho những người có thu nhập thấp được thực hiện trên phạm vi cả nước Mỹ. Chẳng hạn, một hộ gia đình có bốn người tại New York nếu có tổng thu nhập hàng năm không quá 28.000 USD sẽ được hưởng dịch vụ Medicaid.

Dịch vụ này cho phép trẻ em, phụ nữ có thai khám chữa bệnh miễn phí, còn người lớn chỉ phải đóng góp không đáng kể cho khám chữa bệnh và mua thuốc với mức chi trả lớn nhất của một bệnh nhân trong một năm không vượt quá 200 USD.

Theo điều khoản của Medicaid, nhân viên ngoại giao và gia đình họ thông thường không nằm trong diện hưởng các ưu đãi của chương trình nói trên trừ trong trường hợp khẩn cấp.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong thời gian qua đã vấp phải không ít sóng gió. Sự bất đồng lên tới đỉnh điểm sau khi chính quyền Mátxcơva cấp phép cư trú tạm thời tại nước này cho Edward Snowden, cựu kỹ thuật viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hiện đang bị Washington truy đuổi ráo riết do tiết lộ các thông tin động trời về chương trình do thám của Mỹ.

Vụ việc này đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama có ý định không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở cố đô Saint Petersburg của Nga hồi tháng Chín vừa qua.

Mối quan hệ được cho là đang trong quá trình "cài đặt lại" còn đối mặt với nhiều bất đồng trong các vấn đề nóng như Syria và Iran bên cạnh vụ chính quyền Obama công bố danh sách 18 quan chức Nga cấm nhập cảnh vào Mỹ và Mátxcơva cũng đã có biện pháp trả đũa tương tự./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục