Nga cấm nhập cảnh đối với nghị sỹ đối ngoại của Đức

Chính trị gia đối ngoại của Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo Karl-Georg Wellmann của Đức đã bị từ chối nhập cảnh Nga tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moskva.
Nga cấm nhập cảnh đối với nghị sỹ đối ngoại của Đức ảnh 1Chính trị gia đối ngoại của Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Karl-Georg Wellmann của Đức. (Nguồn: dw.de)

Tối 24/5, chính trị gia đối ngoại của Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Karl-Georg Wellmann của Đức đã bị từ chối nhập cảnh Nga tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moskva.

Theo kế hoạch, ông Wellmann, người cũng là Chủ tịch nhóm nghị sỹ Đức - Ukraine, tới Moskva để thảo luận với giới chức Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trao đổi với báo Tiêu điểm của Đức ngày 25/5, ông Wellmann cho biết sau khi xuống sân bay Sheremetyevo, ông đã đi tới cửa kiểm soát nhập cảnh. Một nhân viên đã hỏi ông một loạt câu hỏi như thời điểm trở lại Đức, những người sẽ gặp tại Moskva, chủ đề các cuộc gặp… Sau đó, ông được đưa tới một căn phòng khác có ba nhân viên mặc đồng phục.

Những người này đã cho ông xem bản thông báo cấm nhập cảnh Nga tới tháng 11/2019, đồng thời yêu cầu ông lập tức trở lại Đức. Ông Wellmann đã ở lại khu vực quá sân bay để chờ sáng 25/5 trở về Đức.

Chính trị gia Đức cho biết chuyến làm việc tại Nga được thực hiện theo lời mời của Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng liên bang Nga Konstantin Kosachev.

Ngoài ra, ông cũng có kế hoạch thảo luận với Cố vấn của tổng thống Nga, ông Sergey Glazyev cũng như với đại diện Đại sứ quán Đức tại Moskva.

Theo ông Wellmann, lệnh cấm nhập cảnh trên có thể liên quan tới danh sách trừng phạt đáp trả của Moskva với các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Ông cũng cho biết Bộ Ngoại giao Đức đã vào cuộc để xác minh vụ việc này, trong khi Đại sứ quán Đức tại Moskva cũng đã có công hàm phản đối chính thức.

Ông cho rằng vụ việc "hoàn toàn không phù hợp" trên sẽ gây căng thẳng cho quan hệ giữa Đức và Nga.

Chính trị gia Đảng CDU cũng cho rằng hiện ở Nga có hai nhóm trong bộ máy chính phủ, trong đó một bộ phận muốn cứng rắn trong khi bộ phận khác cho rằng đã đến lúc phải tái thiết lập sự hợp tác, đối thoại giữa Nga và Đức.

Ông Kosachev là một trong số các đại diện của nhóm thứ hai. Cũng theo chính trị gia Đức, việc ông bị từ chối nhập cảnh Nga có thể do lực lượng an ninh Nga tìm cách sử dụng ảnh hưởng để thực thi đường lối của nhóm thứ nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục