Nga cần cách tiếp cận mới để đưa chính sách hướng Đông 'cất cánh'

“Xoay trục sang hướng Đông” được Nga khởi xướng vào cuối những năm 2000, không chỉ là một dự án ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông mà còn nhằm đa dạng hóa và xây dựng quan hệ kinh tế đối ngoại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Mikhail Mishustin trong một cuộc họp tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Mikhail Mishustin trong một cuộc họp tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Tôi muốn nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng, bạn có thể kiếm sống bằng hai cách: Hoặc được cho cần câu, hoặc được cho cá. Tôi ngạc nhiên là chúng ta có cần câu và con cá, nhưng kết quả nhận được khá buồn chỉ vì không có cơ sở hạ tầng.”

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã nhận xét như vậy sau khi thị sát bến tàu của cảng Magadan, nơi ông đã đến thăm trong chuyến công du đầu tiên của mình tới vùng Viễn Đông với tư cách là người đứng đầu chính phủ.

Kết luận của thủ tướng có thể được ngoại suy cho toàn bộ khu vực Viễn Đông. Thực tế này đã tồn tại từ lâu và cho đến nay, ngay cả chính sách “xoay trục sang hướng Đông” được công bố rầm rộ cũng không thay đổi được tình hình.

Nguyên nhân là những mâu thuẫn sâu sắc giữa cách tiếp cận của chính quyền trung ương liên bang và địa phương - những người được cho là sẽ “phục hưng Viễn Đông.”

“Xoay trục sang hướng Đông” được khởi xướng vào cuối những năm 2000. Đây không chỉ là một dự án ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông mà còn nhằm đa dạng hóa và xây dựng quan hệ kinh tế đối ngoại.

Mục tiêu chính trong chính sách xoay trục về phương Đông là hướng đến con người. Cơ hội của Nga trong thế kỷ 21 phụ thuộc vào cách thức và những gì người dân sống ở Viễn Đông sẽ được thụ hưởng. Do đó, tầm quan trọng căn bản của sự thành công là chính sách xã hội trong khu vực.

Chính sách xã hội chịu trách nhiệm về sự phát triển của người dân chứ không phải là “cán bộ” hay người tiêu dùng các dịch vụ nhất định, càng không phải chỉ có chức năng đảm bảo sự phát triển kinh tế.

Vào năm thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông, mùa Thu năm 2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tại hội nghị Câu lạc bộ Valdai rằng “nếu không tập trung nỗ lực vào giáo dục và sức khỏe người dân, vào việc hình thành trách nhiệm giữa chính quyền và mỗi người dân, và cuối cùng là khôi phục lòng tin trong xã hội, thì chúng ta sẽ thua trong cuộc cạnh tranh lịch sử.”

Khu vực Viễn Đông với 8,2 triệu dân, là một khu vực mà lòng tin cơ bản giữa xã hội, chính quyền trung ương và giới tinh hoa trong khu vực đã bị phá hủy vào những năm 1990 và liên tục bị xấu đi trong những năm 2000.

Với số vốn đầu tư lớn cho các dự án, chính sách “xoay trục về phía Đông” cần được xây dựng để cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân vùng Viễn Đông.

Khi đó, người dân vùng Viễn Đông và các vùng lân cận của Siberia không chỉ trở thành những người tham gia mà còn là những người thực hiện chính sách này. Họ là những người có kinh nghiệm giao lưu với các nước châu Á, với cư dân và giới kinh doanh của châu lục.

Về mặt địa lý, họ là một phần của châu Á. Do đó cần tạo dựng hệ thống tương tác ba bên cân bằng cho khu vực này.

Bộ ba của chính sách Viễn Đông

Chính sách phát triển Viễn Đông cần đặt ra nguyên tắc “ba bên” làm thước đo cho sự phát triển của khu vực.

Thứ nhất là cấp liên bang. Đó là xác định sự lựa chọn địa chiến lược, vị trí của Viễn Đông trong việc Nga giành được một vai trò mới trong Chiến lược Đại Âu-Á.

Thứ hai là doanh nghiệp (cho đến nay chủ yếu là liên bang). Tập trung thực hiện các dự án kinh tế lớn, tạo ra các điểm tăng trưởng, chủ yếu là định hướng xuất khẩu.

Thứ ba là khu vực. Tập trung phát triển vùng Viễn Đông, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi vai trò của khu vực này đối với đất nước.

Nga cần cách tiếp cận mới để đưa chính sách hướng Đông 'cất cánh' ảnh 1Hồ Baikal tại Siberia. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Đến nay, khá nhiều việc đã được thực hiện ở cấp độ đầu tiên và cấp độ thứ hai, trong 5 năm tới bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn khi các nhà máy lớn nhất đi vào hoạt động, các cảng được hiện đại hóa và hạ tầng hậu cần được thiết lập.

Nhưng đã đến lúc liên kết điều này với lợi ích và quan điểm của cư dân trong khu vực. Viễn Đông phải được gắn kết với phần còn lại của Nga bằng cách hỗ trợ sự tham gia của họ vào số lượng tối đa các dự án, cộng đồng, nền tảng tương tác toàn Nga và liên quốc gia.

Trong khi đó, có nhiều quan ngại rằng sự phát triển của vùng Viễn Đông sẽ dẫn đến việc xây dựng các “ngôi làng Potemkin” (“ngôi làng Potemkin” là làng giả, nhìn từ xa rất trù phú, được dựng lên để che mắt Nữ hoàng Nga Catherine II khi bà thị sát).

Bên cạnh đó là nguy cơ tạo ra các khu vực có sự chênh lệch lớn về hoạt động doanh nghiệp cũng như việc nhập khẩu ồ ạt lao động giá rẻ từ nước ngoài.

['Việt Nam là đối tác tự nhiên của Nga trong chính sách hướng Đông']

Tất cả những ám ảnh này đều có một điểm chung - đó là sự nghi ngờ rằng Viễn Đông đang bị tước đi khỏi tay của cư dân địa phương.

Sự quan tâm không đầy đủ đến các lĩnh vực xã hội, tư tưởng, văn hóa và quan trọng nhất là thành phần dân cư đã trở thành một trở ngại lớn cho sự phát triển của khu vực. Và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bước tiến của chính sách bị chậm lại.

Và ngay cả trước khi xảy ra tình trạng bất ổn ở Khabarovsk, các nỗ lực phát triển cũng đã bị đình trệ. Cần thừa nhận rằng khu vực này không thể được quản lý đầy đủ về mặt kinh tế và kỹ thuật.

Giới tinh hoa ở miền Trung nước Nga chống lại “sự thay đổi” mà có thể làm suy yếu các vị thế kinh tế và chính trị của họ. Giới tinh hoa này kết nối yếu với Viễn Đông và không hiểu lợi ích của bước ngoặt sang châu Á.

Nhiều đại diện của giới thượng lưu này có liên hệ về tài chính và tư tưởng với phương Tây, họ sợ rằng sự "xoay trục" sẽ dẫn đến tổn thất cho họ.

Từ va chạm đến củng cố lẫn nhau

Sự phát triển của vùng Viễn Đông không nên (dù ở Moskva hay các khu vực khác) cần được chính quyền trung ương coi là một khoản đầu tư rõ ràng cho tương lai.

Toàn bộ logic của chính sách "xoay trục" cần xác định rằng Viễn Đông, và về lâu dài là toàn bộ Siberia, cần trở thành trung tâm của Nga trong thế kỷ 21.

Đó là trung tâm hoạt động kinh tế tiên tiến, trung tâm hợp tác quốc tế hàng đầu, trung tâm thu hút nguồn nhân lực tốt nhất cả nước.

Do đó, cần đánh giá các khoản đầu tư vào giáo dục, cải thiện tình hình kinh tế, thiết kế môi trường đô thị, cải tạo và mở rộng nguồn cung nhà ở tại khu vực này. Triển vọng của một số vùng và khu vực ở Viễn Đông trong thế kỷ 21 sẽ quyết định khả năng những nơi này trở thành cửa ngõ của Nga vào châu Á.

Cửa ngõ vào châu Á không chỉ có Vladivostok. Đây là tất cả các tỉnh và thành phố có tiềm năng tương ứng như Sakhalin Oblast và Kamchatka Krai, Khabarovsk, Blagoveshchensk, vùng biên giới của Vành đai phía Nam, Buryatia.

Cửa ngõ châu Á không chỉ là cửa ngõ kinh tế, địa lý mà còn là cửa ngõ văn hóa. Sự độc đáo của văn hóa Nga, Cộng hòa Buryatia và Yakutia phải được quan tâm và phát triển giống như sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên vùng Viễn Đông.

Khi nhắc đến các cửa khẩu, không nên chỉ nói về các trung tâm hậu cần ở hai hoặc ba tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc và một số cảng của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cần xây dựng Viễn Đông như một trung tâm không chỉ dựa vào kinh tế mà còn dựa vào nhân khẩu học, lịch sử và văn hóa. Bất kỳ trung tâm quyền lực nào cũng bắt đầu bằng khả năng tự nhận diện, định nghĩa về tính chủ thể của mình.

Người dân Viễn Đông cần tự cảm thấy họ là người dẫn dắt lợi ích chính của phần còn lại của Nga ở châu Á. Đây mới chính xác là sự nhận diện về những người “Phục hưng Viễn Đông,” đặc biệt là vai trò của họ đối với hợp tác giữa Nga và châu Á.

Tất nhiên, sẽ không thể thay đổi nhận thức về châu Á của cả nước Nga trong hai hoặc ba năm, nhưng trong 7-15 năm điều này là có thể. Vì vậy, thái độ đối với Viễn Đông cần đặc biệt coi trọng ngay từ lúc này.

Lối thoát trước ngã ba trong chính sách xoay trục

Có nhiều cách tiếp cận đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Viễn Đông, trong đó nổi bật nhất là phương pháp liên kết. Cách tiếp cận này đề cao việc gây dựng lòng tin lẫn nhau giữa chính quyền trung ương và khu vực. Theo đó, các dự án liên bang không được làm phương hại hoặc “bỏ quên” đến các dự án và sáng kiến khu vực.

Trong khi chi nhánh của các bảo tàng lớn của đất nước nên mở tại Viễn Đông, cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ các bảo tàng trong khu vực.

Điều quan trọng là không phải là mở chi nhánh của các trường đại học tại đây, mà là các chương trình liên kết của các trường đại học tốt nhất trong nước với các trường đại học địa phương, để khởi động các chương trình trao đổi và phát triển chuyên môn, thực tập và nghiên cứu.

Không nên có sự thay thế mà mấu chốt ở đây là sự tăng cường năng lực và tiềm năng phát triển của khu vực với sự trợ giúp của trung ương. Nếu không, bản sắc vùng miền, cảm giác thân thuộc với nơi cư trú, sẽ nhanh chóng bị lu mờ.

Cách tiếp cận này giả định có sự tham gia tối đa của người dân vùng Viễn Đông trong việc thực hiện chính sách xoay trục.

Ưu tiên tài trợ cho các dự án ở Viễn Đông trong khuôn khổ các chương trình do các bộ liên bang giám sát. Khuyến khích tối đa quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện cho việc kinh doanh của các công dân đang hoạt động tại địa phương.

Viễn Đông cần được trao nhiệm vụ đặc biệt để phân biệt nó với các khu vực khác của đất nước. Cửa ngõ vào châu Á của Nga cần có cơ sở hạ tầng kinh doanh và xã hội hiện đại, hấp dẫn.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài để hội nhập vào châu Á đã trở nên khó khăn hơn so với cuối những năm 2000.

Do một số sai lầm trong quá khứ, cách tiếp cận không hợp lý, việc chuyển hướng sang định hướng thị trường bị đình trệ. Và việc bổ sung Bắc Cực thay vì trung tâm Siberia chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Dù vậy, vẫn có cơ hội để tổ chức câu cá với sự hiện diện của "cá và cần câu.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục