Nga cáo buộc Phương Tây can thiệp vào tình hình Macedonia

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Macedonia ngày càng có hình thức "không thể chấp nhận được."
Nga cáo buộc Phương Tây can thiệp vào tình hình Macedonia ảnh 1Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov. (Nguồn: EC)

Ngày 3/3, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ Cộng hòa Macedonia ngày càng có những hình thức "không thể chấp nhận được."

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ ngày 11/12/2016 trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, đảng cầm quyền đã nhận được đa số phiếu cử tri trong khi phe đối lập được Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ công khai ủng hộ đã thất bại.

Tuy nhiên, quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số quan chức cấp cao khác của Châu Âu đã gây áp lực đòi Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov dành ghế Thủ tướng cho phe đối lập vốn chủ trương theo đường lối "cương lĩnh Albania" - một cương lĩnh hướng tới liên bang hóa Macedonia, xem xét lại cơ cấu chính quyền, thậm chí cả biểu tượng quốc gia.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh người dân Macedonia cần phải tự quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Macedonia tiếp tục chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị khi ngày 1/3 Tổng thống nước này Gjorge Ivanov từ chối ủy quyền cho lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đối lập Zoran Zaev thành lập chính phủ dù đã nhận được sự ủng hộ của 67/120 nghị sĩ Quốc hội.

Tổng thống Ivanov từng tuyên bố sẽ cho phép ông Zaev thành lập chính phủ nếu nhận được đủ sự ủng hộ từ các đảng trong Quốc hội. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, ông Ivanov nhấn mạnh sẽ không ủy quyền cho bất cứ ai thành lập chính phủ khi người đó ủng hộ chính sách gây tổn hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước.

Tuyên bố của Tổng thống Ivanov ám chỉ đến đề xuất gây tranh cãi của các đảng người thiểu số gốc Albania, vốn ủng hộ ông Zaev, về việc đưa tiếng Albania trở thành ngôn ngữ chính thức ở Macedonia.

Đề xuất nêu trên của các đảng thiểu số người gốc Albania đã dẫn tới các cuộc biểu tình trong nhiều ngày liên tiếp, với sự tham gia của hàng nghìn người tại thủ đô Skopje và một số thành phố khác để phản đối yêu cầu này, bày tỏ quan ngại về nguy cơ "liên bang hóa" cũng như đất nước tan vỡ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục