Nga có thể cân đối ngân sách nhờ giá dầu mỏ tăng

Những hy vọng tăng ngân sách nhờ vào "dòng đôla dầu mỏ" của Nga có thể thành hiện thực, khi mà giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/ thùng.
Báo Độc lập (Nga) ngày 17/1 có bài phân tích về tác động của giá dầu đối với ngân sách Liên bang Nga.

Bài báo cho rằng những hy vọng tăng ngân sách nhờ vào "dòng đôla dầu mỏ" của chính quyền Nga hiện có thể thành hiện thực, khi mà vào dịp cuối tuần qua, giá dầu lần đầu tiên trong hai năm đã vượt quá ngưỡng 100 USD/ thùng.

Mặc dù việc tăng giá phần lớn là do các yếu tố đầu cơ và thời vụ, nhưng xu hướng giá dầu tăng có thể vẫn được duy trì. Nhờ đó, ngân sách nhà nước Nga có thể sẽ được cân đối trong năm nay.

Điều đáng nói là Bộ Tài chính Nga đã dự toán ngân sách nhà nước trong ba năm tới, dựa trên giả thuyết là trong năm 2011 giá dầu trung bình là 75 USD/thùng, năm sau nữa là 78USD và năm kế tiếp là 79 USD/ thùng.

Theo cách tính đó, thâm hụt ngân sách của Nga dự kiến cho năm nay là 3,6% GDP (khoảng 1.800 tỷ rúp). Xét tình hình giá dầu hiện nay, đánh giá trên xem ra quá thận trọng. Tuy nhiên, tình hình thị trường cũng có nhiều biến động khi mùa Xuân đến, mức tiêu thụ nhiên liệu chắc chắn sẽ giảm.

Nhà chức trách Nga và giới chuyên môn cũng đưa ra nhận định rằng "dòng đôla dầu mỏ" có thể không ảnh hưởng đến ngân sách Nga, khi mà vào năm 2007, giá dầu đã ở mức 70 USD/thùng và khi đó Nga đã đạt được thặng dư ngân sách, trong khi hiện nay, với mức giá trên dưới 75 USD/thùng, Nga lại không thể tránh khỏi thâm hụt ngân sách.

Thực tế này cho thấy sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu công ở Nga. Bài báo kết luận, trên lý thuyết, khả năng giá dầu trong năm tới sẽ tiếp tục tăng, và rất có thể ngân sách Nga sẽ được cân đối. Nhưng dự toán ngân sách này chưa tính đến những khoản chi tiêu có thể tăng trước thềm các cuộc bầu cử (quốc hội Nga trong năm 2011 và tổng thống Nga năm 2012).

Các chuyên gia cho rằng, để ngân sách Nga không bị thâm hụt, chỉ yếu tố giá dầu tăng là không đủ, vì thế những điều kiện thuận lợi dù có trở thành sự thật cũng chỉ có thể giúp giảm thâm hụt ngân sách năm 2011 tối đa xuống còn 1,5% GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục