Nga đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Viễn Đông

Ngày 2/7, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề ra ba nhiệm vụ then chốt phát triển khu vực giàu tài nguyên tại vùng Viễn Đông.
Chủ trì một hội nghị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Viễn Đông ngày 2/7, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề ra ba nhiệm vụ then chốt phát triển khu vực giàu tài nguyên này của Nga.

Tổng thống Medvedev đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao mức độ phối hợp hành động với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như chú trọng sự hợp tác công nghệ cao và tăng cường vai trò của Nga trong các tổ chức quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chỉ thị cho chính phủ từ nay đến cuối năm soạn thảo Chương trình hành động về củng cố vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Medvedev nêu rõ nhiệm vụ then chốt đầu tiên là cần đưa sự hợp tác kinh tế giữa vùng Viễn Đông và toàn Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên một trình độ mới.

Chương trình này cần bao hàm dự báo phát triển dài hạn của Viễn Đông có tính đến tiềm năng các khu vực miền Đông Nga và các quá trình liên kết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là cần chú trọng các hiệp định về thương mại tự do.

Theo Tổng thống Medvedev, vai trò chuyên môn hóa của Nga trong lĩnh vực công nghệ cao trên thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rõ ràng, trước hết liên quan đến năng lượng, chế tạo máy bay, dịch vụ vũ trụ. Vì vậy, nhiệm vụ then chốt thứ hai là trong các lĩnh vực này cần hoàn thiện các dây chuyền sản xuất mới, khởi động các dự án hợp tác kỹ thuật công nghệ đa phương.

Ông nêu rõ rằng điều quan trọng là học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng về tạo lập bầu không khí đầu tư thuận lợi và thành lập các đặc khu kinh tế.

Ngoài ra, Tổng thống Medvedev tuyên bố Nga vẫn là nhà cung cấp dầu chủ yếu đối với một loạt nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, cần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, thu hút đầu tư vào ngành lọc dầu và hóa chất, khai thác và chế biến nguyên liệu.

Tổng thống Medvedev nêu rõ nhiệm vụ then chốt thứ ba là cần củng cố vai trò của Nga trong các tổ chức của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEEN), và nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ).

Ông cũng cho biết Nga sẽ đề xuất một tầm nhìn về việc cần xây dựng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương một cấu trúc an ninh và hợp tác gồm một số trung tâm, nằm ngoài các khối hay liên minh.

Ông nhấn mạnh đang mở ra những khả năng mới để tăng cường vai trò của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và triển vọng to lớn trong phát triển quan hệ đối tác đối thoại trong ASEAN. Đó là nhân tố thực tế thúc đẩy hàng hóa, công nghệ và đầu tư của Nga ra các thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thống Nga đặc biệt nhấn mạnh rằng sự liên kết với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nguồn động lực rất quan trọng thúc đẩy kinh tế vùng Viễn Đông nói riêng và kinh tế Nga nói chung. Nga cần tranh thủ cơ hội này để phát triển các mối quan hệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của các vùng Viễn Đông của Nga.

Tại hội nghị nói trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo, tháng 10 tới, Nga sẽ chính thức gia nhập Diễn đàn Á-Âu (ASEM).

Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ trong những năm gần đây, vị thế của Nga đã được củng cố đáng kể trong các tổ chức khu vực và liên khu vực, như APEC, SCO, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á, đối thoại về hợp tác ở châu Á và các tổ chức khác.

Diễn đàn Á-Âu là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1996 theo sáng kiến của Pháp và Singapore, tập hợp các nước Đông Á và châu Âu. Tham gia diễn đàn có hơn 40 nước, chiếm tới hai phần ba khối lượng thương mại toàn cầu và hơn một nửa tổng lượng sản phẩm của thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục