Nga: Định hướng kinh tế trong thời kỳ mới có thật sự thuyết phục?

Theo Tổng thống Putin, về kinh tế, Nga sẽ không đóng cửa và trọng tâm sẽ là phát triển kinh tế trong nước, định hướng lại thương mại cho các nước độc lập với Mỹ.
Nga: Định hướng kinh tế trong thời kỳ mới có thật sự thuyết phục? ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 25 với chủ đề “Những cơ hội mới trong một thế giới mới” đã diễn ra từ ngày 15-18/6. Phóng viên TTXVN tại Moskva đã tập hợp một số đánh giá dư luận xung quanh diễn đàn vừa diễn ra này.

Trước, trong và đặc biệt là sau phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, truyền thông Nga và đội ngũ bình luận viên trong tầm ảnh hưởng của Điện Kremlin đều dành lời ca ngợi đối với bài phát biểu quan trọng của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Putin khẳng định: “Chúng ta là những người mạnh mẽ và chúng ta có thể đương đầu với bất kỳ thách thức nào, giống như tổ tiên của chúng ta, chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề. Điều này được minh chứng bằng toàn bộ lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta.”

Theo nhà nghiên cứu Maxim Makarov, bài phát biểu của Tổng thống Putin chỉ ra những điểm chính, trong đó cho rằng việc đoạn tuyệt với phương Tây là điều không thể thay đổi và không một áp lực nào từ phương Tây có thể thay đổi điều đó. Tổng thống cho rằng Nga đã giành lại chủ quyền của mình và sẽ không trao lại chủ quyền cho bất kỳ ai, việc tăng cường chủ quyền về chính trị và kinh tế là những ưu tiên hàng đầu.

Bài phát biểu của ông Putin nhấn mạnh kỷ nguyên thống trị của Mỹ đã qua, bây giờ một thế giới mới đang được hình thành. Về kinh tế, Nga sẽ không đóng cửa và trọng tâm sẽ là phát triển kinh tế trong nước, định hướng lại thương mại cho các nước độc lập với Mỹ.

Trong số đó, Liên minh châu Âu (EU) không còn được coi là một đại diện khách quan và các doanh nghiệp lớn một lần nữa phải tự đưa ra lựa chọn hoặc chấp nhận "quốc hữu hóa" ở Nga, hoặc bị tước đoạt tài sản ở phương Tây.

Bài phát biểu đanh thép của Tổng thống

Thành viên đoàn đàm phán Nga-Ukraine Vladimir Slutsky nói rằng bài phát biểu của ông Putin đã vạch ra một ranh giới rõ ràng. Ông đánh giá đây là một bài phát biểu mạnh mẽ, có tính cương lĩnh với các mục tiêu rõ ràng cho sự phát triển của đất nước trước sức ép và các biện pháp trừng phạt chưa từng có.

Theo ông Vladimir Slutsky, nhà lãnh đạo Nga không chỉ gửi một bản Diễn văn tương tự tới Quốc hội Liên bang, mà còn vạch ra các đường nét của một trật tự thế giới công bằng và đa cực của tương lai.

Những nhà quan sát kinh tế thấy rằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga có hai điểm chính cần lưu ý. Thứ nhất, Nga không tự đóng cửa từ bên trong và các công ty phương Tây làm việc với Nga sẽ không bị phân biệt đối xử. Thứ hai, kinh tế thị trường vẫn là hình thức tổ chức của kinh tế Nga, nhà nước đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và giảm bớt gánh nặng hành chính.

[Nước Nga sẽ định hướng lại nền kinh tế trong thời kỳ mới]

Một số nhà quan sát duy trì quan điểm khách quan khi đánh giá tích cực về những luận điểm mà ông Putin nêu ra, nhưng cũng bày tỏ hoài nghi về triển vọng thực thi trong thực tế. Họ nhất trí với luận điểm của Tổng thống rằng nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga đã tránh được một “đòn chí mạng” nhưng họ vẫn cho rằng còn rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với kiểm soát xuất khẩu, tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, thay thế nhập khẩu và tạo ra các kênh tài chính đáng tin cậy cho giao dịch quốc tế.

Nhà lãnh đạo Nga phát đi báo động về việc tập trung dự trữ ở các ngân hàng Mỹ và EU đã giảm sút, dù chưa rõ khi nào dự báo sẽ được cảm nhận và mức độ tin cậy của dự báo.

Tổng Giám đốc Cơ quan Truyền thông Chính trị và Kinh tế Dmitry Orlov nêu ra ba điểm quan trọng về bài phát biểu của Tổng thống Nga. Thứ nhất, ông báo hiệu cho thế giới rằng Nga đang theo đuổi chính sách có chủ quyền, và đây là một lộ trình lâu dài. Các áp lực trừng phạt đã không đạt được và sẽ không đạt mục tiêu, điều này được chứng minh trực tiếp bằng thu nhập từ xuất khẩu quy mô lớn của Nga.

Thứ hai, bài phát biểu phát đi một tín hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp và các công dân năng động, đó là cởi mở và tự do tuy là những nguyên tắc cơ bản của chính quyền, nhưng các nhà chức trách kỳ vọng hoạt động kinh doanh phải hướng tới quốc gia và có trách nhiệm với xã hội.

Thứ ba là một tín hiệu cho giới tinh hoa. Thành công và tương lai chỉ có ở nước Nga và một lựa chọn có trách nhiệm (và có lợi) cho các doanh nhân lớn là đầu tư vào tài sản của Nga, lập kế hoạch triển vọng cá nhân ở Nga.

Thứ tư là tín hiệu cho cả đất nước, trong đó nêu bật việc nước Nga phải “đi trước một bước”, chủ quyền về công nghệ là hoàn toàn cần thiết, nhưng không chỉ cần phải “bắt kịp”, mà là “vượt xa” các đối tác.

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát đối lập lại cho rằng ông Putin đã quyết định lặp lại một lần nữa tất cả những luận điểm buồn tẻ mà ông đã đưa ra trong ba tháng qua, đó là chiến dịch quân sự tại Ukraine là một quyết định bắt buộc.

Họ kết luận rằng ông Putin không có tầm nhìn về một nền kinh tế mới cho Nga. Chính phủ và điện Kremlin chỉ tìm cách “bịt những lỗ hổng đang xuất hiện” bằng cách thiết lập nhập khẩu xám và cố gắng bán nguyên liệu thô sang phương Đông với giá chiết khấu sau làn sóng “đóng cửa” thị trường phương Tây.

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga kêu gọi giới doanh nhân “trở về nhà an toàn hơn” nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể biến Nga trở thành bến cảng an toàn hay không, trong bối cảnh những “vết loét cũ” của môi trường đầu tư vẫn cần được chữa trị.

Trên bình diện quốc tế, một số quốc gia hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ ủng hộ quan điểm của Nga về trật tự thế giới đa cực, nhưng họ không chống lại khái niệm toàn cầu hóa của phương Tây và thậm chí đã được hưởng lợi từ khái niệm này.

Một mô hình mới ở nước Nga mới?

Người điều hành phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 25 là Chủ nhiệm Ủy ban về Ngân sách và Thuế của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrey Makarov.

Dẫn dắt mở màn chương trình thảo luận, ông Andrey Makarov đặt vấn đề hiện nay, cả thế giới đang xem xét lại cấu trúc của hệ thống kinh tế thế giới có hiệu lực trong những năm trước đây, trên cơ sở hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng trong các vấn đề thương mại, kinh tế và tài chính.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đã thúc đẩy đáng kể quá trình phi quân sự hóa, báo hiệu cho các quốc gia rằng họ cần tìm "chỗ đứng" để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và ngân sách của chính mình.

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, song nước Nga đã vượt qua thành công giai đoạn khó khăn cấp tính đầu tiên của quá trình này, tránh được một kịch bản tiêu cực, mang lại sự ổn định tài chính và giá cả tiêu dùng, giúp duy trì việc làm và hỗ trợ các nhóm công dân dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nền kinh tế thích ứng với điều kiện mới nhanh chóng như thế nào? Việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sẽ đòi hỏi những gì? Những động lực tăng trưởng nào sẽ đóng góp vào điều này? Liệu Nga có những chỗ đứng riêng cho sự phát triển trong tương lai hay không? Những vấn đề hóc búa này lần lượt được “đội ngũ chuyên gia y tế” - những nhà quản lý hàng đầu của kinh tế Nga - giải đáp.

Các đại biểu đều có chung đánh giá rằng tình hình kinh tế Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các chỉ số dự báo kinh tế đang được cải thiện, mà theo đó Bộ Phát triển Kinh tế Nga có thể sẽ điều chỉnh tầm nhìn để phát triển nền kinh tế theo hướng tích cực hơn. Trợ lý Tổng thống Maxim Oreshkin nhìn nhận thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 là “một thao trường luyện tập” đối với kinh tế Nga.

Trong thời kỳ này các nhà quản lý tích cực sử dụng kỹ năng để ra quyết định nhanh chóng trong một tình huống bất thường chưa từng đối mặt. Tuy nhiên, theo ông, bối cảnh hiện nay lại đặt ra một thực tế mới đối với nền kinh tế và quy mô của các quyết định cũng sẽ khác trước.

Quan chức Nga nói: “Đâu sẽ là hình mẫu của tương lai, chúng ta vẫn phải xác định. Lịch sử hàng nghìn năm của nước Nga cho thấy chúng ta luôn quản lý được những thách thức khó khăn nhất. Chúng ta sẽ cần nỗ lực, làm việc và nỗ lực hơn nữa.”

Giải đáp câu hỏi của khán giả về mô hình kinh tế triển vọng mà nước Nga sẽ định hướng phát triển với gợi ý về mô hình kinh tế Liên Xô, Trợ lý của Tổng thống Nga Maxim Oreshkin cho biết: “Sẽ không có sự quay trở lại nền kinh tế của Liên Xô ở Nga. Mô hình này không hiệu quả, có xu hướng đóng cửa, không cạnh tranh và tập trung. Do đó, sẽ có một mô hình mới ở nước Nga mới.”

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cũng cho rằng Nga cần có chính sách kinh tế và công nghiệp mới của riêng mình dựa trên những công nghệ quan trọng. Ông nói: “Chúng ta cần phát triển một học thuyết an ninh công nghiệp. Về vấn đề này, chúng ta cần nhiều trao sự tự do cho các doanh nhân, để họ bớt chịu ảnh hưởng về mặt hành chính.”

Theo quan điểm của người đứng đầu ngành Tài chính, trong tình hình mới nhà nước phải tạo mọi điều kiện phù hợp, còn đội ngũ doanh nghiệp và tư nhân khi đó sẽ tự làm mọi việc.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina tin rằng hệ thống tài chính đã thích nghi với tác động của các lệnh trừng phạt. Nhiệm vụ trước mắt của các ngân hàng là tài trợ cho các dự án chuyển đổi sản xuất. Theo bà, tình hình đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi sự thích ứng nhanh, cần phải xây dựng lại hệ thống và ưu tiên phát triển sản xuất trong nước.

Bà nói: “Chúng ta với tư cách là một quốc gia đang thua thiệt từ sự phân công lao động quốc tế, và trong những điều kiện này, chúng ta cần phải xem xét lại những lợi ích của xuất khẩu. Cuối cùng, chúng tôi cần nghĩ rằng một phần đáng kể sản lượng sản xuất phải phục vụ cho thị trường nội địa.”

Những tuyên bố nêu trên của “giới tinh hoa” kinh tế Nga cho phép dư luận hình dung về khái niệm phát triển kinh tế đất nước đang hình thành trong thời kỳ mới nhằm thích nghi trước áp lực trừng phạt không ngừng tăng của phương Tây, vượt qua khó khăn của việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nền kinh tế Nga gần như bị cô lập một phần.

Các nhà quan sát cho rằng kinh tế Nga có nhiều tồn tại kinh niên khó giải quyết ngay cả trước các lệnh trừng phạt hà khắc của phương. Một số nhà quan sát độc lập từng cho rằng vấn đề tồn tại của nền kinh tế Nga chính là hệ quả của việc đánh giá thấp vai trò của tiêu dùng nội địa, không chú trọng đúng mức trong chiến lược thay thế nhập khẩu và đầu tư quá ít vào tài sản cố định.

Những vấn đề dài hạn và thách thức cần vượt qua

Những phát biểu mang tính gợi mở của các quan chức Nga tại phiên thảo luận của Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg cho phép công chúng hình dung về một sự chuyển đổi sắp diễn ra. Hay nói cách khác là một sự định hướng lại nền kinh tế mà theo đó nước Nga sẽ đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng trong nước, thay vì chú trọng vào xuất khẩu như hiện nay.

Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn và cũng có không ít thách thức cần vượt qua. Và đặc biệt, trong tình cảnh phức tạp hiện nay, rõ ràng thách thức đang nhiều hơn so với số cơ hội mà nước Nga đang có, đặc biệt là thách thức về công nghệ. Điều quan trọng là quá trình định hướng lại nền kinh tế nên được hình dung như thế nào đối với đội ngũ tinh hoa ở cấp địa phương, các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp tư nhân.

Về vấn đề này, ý kiến của Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec Sergey Chemezov mang đến cái nhìn đầy đủ hơn. Ông rằng những gì đang diễn ra sẽ làm thay đổi thái độ của người tiêu dùng đối với hàng hóa Nga.

Tuy nhiên, ông Chemezov thừa nhận rằng việc mất quyền truy cập vào các hàng hóa, công nghệ, linh kiện hiện đại của thế giới là một thiếu sót, và việc thay thế nhập khẩu hoàn toàn là vô nghĩa, không thực tế về mặt kinh tế và đơn giản là không thể. Theo ông, sự cô lập, bao gồm cả sự cô lập về công nghệ, và việc nước Nga đang cố gắng làm mọi thứ một mình là con đường không dẫn tới đâu.

“Nga phải vẫn là một phần của thế giới toàn cầu. Nga sẽ không thể phát triển nếu không có quan hệ đối tác quốc tế. Sự ‘quay lưng’ của phương Tây không phải là lý do để Nga đóng cửa với thế giới. Chúng tôi không đi cùng đường với những người thúc đẩy các lệnh trừng phạt, nhưng chúng tôi có các đối tác ở các khu vực khác trên thế giới, những người ngày nay hành xử một cách nhất quán và cơ bản” - ông Sergei Chemezov nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thì nhu cầu về chủ quyền công nghệ là rõ ràng. Nga bắt buộc phải làm chủ công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu, trước hết là kỹ thuật máy bay dân dụng, kỹ thuật điện và năng lượng, thiết bị dầu khí và chế tạo dụng cụ. Do đó, lãnh đạo tập đoàn công nghệ Nga cần đề xuất một chính sách linh hoạt về thay thế hàng nhập khẩu và nhấn mạnh nhà nước cần ưu tiên rõ ràng và hiểu rõ những việc cần thiết phải làm ngay và những việc có thể chờ đợi.

Một bộ phận trong cộng đồng chuyên gia ở Nga cũng có quan điểm tương tự khi nhấn mạnh về tính hợp lý của việc định hướng lại nền kinh tế. Nga có thế mạnh trong các ngành công nghiệp nhiên liệu, luyện kim màu, sản xuất vũ khí, ngũ cốc và nông sản.

Đây là những lĩnh vực có năng suất cao và việc tập trung ưu tiên vào lĩnh vực này là cần thiết để gia tăng giá trị xuất khẩu, nhưng chỉ trong điều kiện không bị các chế tài và không bị loại khỏi các ngành trọng yếu về công nghệ.

Do đó, sự định hướng lại một cách cân bằng là cần thiết để toàn bộ nền kinh tế thích nghi với điều kiện mới. Vấn đề mấu chốt hiện nay là xác định chính xác danh sách các lĩnh vực ưu tiên phát triển sản xuất, đầu tư và kích thích tiêu dùng trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục