Nga, Đức tiếp tục hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Tàu Fortuna treo cờ Nga bắt đầu vận hành ở khu vực cách điểm đất liền của Đức ở Lubmin gần Greifswald (bang Mecklenburg-Vorpommern) khoảng 70 km về phía Đông Bắc.
Nga, Đức tiếp tục hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Tàu Akademik Cherskiy của Nga tham gia lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 neo tại cảng Mukran, gần Sassnitz, Đông Bắc nước Đức ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Đức đưa tin, sau gần một năm trì hoãn do ngại lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 11/12, việc lắp đặt những km cuối cùng trong hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic được tiếp tục triển khai. Người phát ngôn của dự án đã xác nhận thông tin này.

Tàu Fortuna treo cờ Nga bắt đầu vận hành ở khu vực cách điểm đất liền của Đức ở Lubmin gần Greifswald (bang Mecklenburg-Vorpommern) khoảng 70 km về phía Đông Bắc.

Tàu này sẽ lắp đặt một đoạn đường ống dài 2,6 km trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Đức.

Giấy phép lắp đặt sẽ hết hạn vào cuối năm 2020, song Công ty Nord Stream 2 AG đã xin giấy phép mới để tiếp tục xây dựng vào năm 2021.

Dự án lắp đặt đường ống ở khu vực ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch đã bị tạm dừng gần một năm trước sau khi Mỹ thông qua luật trừng phạt các công ty tham gia lắp đặt đường ống, khiến 2 tàu chuyên dụng của Thụy Sĩ phải rút khỏi dự án.

['Dòng chảy phương Bắc 2' vẫn được tiếp tục bất chấp sự phản đối của Mỹ]

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ tự hoàn thành dự án mà không phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.

Trong tương lai, 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sẽ được vận chuyển mỗi năm từ Nga tới Đức qua hai đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 2, mỗi đường ống dài khoảng 1.200km.

Hệ thống đường ống trị giá khoảng 9,5 tỷ euro cho đến nay đã hoàn tất khoảng 94% khối lượng công việc.

Được các nước Đông Âu như Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ, Chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn việc hoàn thiện dự án và đe dọa trừng phạt các công ty và cá nhân tham gia dự án, trong đó có phong tỏa tài khoản ở Mỹ và cấm nhập cảnh Mỹ.

Washington lo ngại rằng các đối tác châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Trong khi đó, Mỹ đang thúc đẩy việc đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới châu Âu như một giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga.

Đại sứ quán Mỹ tại Berlin mới đây đã kêu gọi Đức ngăn chặn việc hoàn tất dự án gây tranh cãi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục