Nga hối thúc các nước vùng Vịnh đàm phán để làm giảm căng thẳng

Nga kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn tái diễn vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ, và cảnh báo lời buộc tội vô căn cứ với Iran liên quan tới các cuộc tấn công đã gây ra căng thẳng.
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, miền Đông Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, miền Đông Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/9 đã kêu gọi tất cả các nước trong vùng Vịnh bắt đầu các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.

Phát biểu tại Moskva, ông Lavrov kêu gọi thực hiện các biện pháp ngăn chặn tái diễn một tình huống tương tự trong khu vực, đồng thời cảnh báo rằng những lời buộc tội vô căn cứ đối với Iran liên quan tới các cuộc tấn công đã gây ra căng thẳng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ muốn "một giải pháp hòa bình" cho cuộc khủng hoảng liên quan tới các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.

[LHQ: Cần có kết quả điều tra quốc tế về các vụ tấn công ở Saudi Arabia]

Trả lời các phóng viên sau các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình. Tôi hy vọng Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ nhìn nhận theo cách tương tự." Theo nhà ngoại giao Mỹ, nước này vẫn đang cố gắng xây dựng một liên minh trong một hành động ngoại giao.

Ngoài ra, ông Pompeo cho biết sẽ có thêm các lệnh trừng phạt với Tehran vì mục đích của Washington là muốn ngăn Tehran có khả năng ủng hộ Hezbollah, phiến quân Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq cũng như chương trình tên lửa của nước này.

Mỹ đang cố gắng tập hợp một liên minh nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh Persian khỏi cái mà Washington cho là mối đe dọa từ Iran.

Eo biển Hormuz rộng 33km, án ngữ tuyến đường biển nối liền Vịnh Oman và Vịnh Persian. Hiện Iran và UAE kiểm soát eo biển này.

Cho tới nay, UAE, Saudi Arabia, Anh, Australia và Bahrain đã tuyên bố tham gia liên minh này. Trong khi đó, một số nước như Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Iraq đã từ chối lời mời của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục