Nga hối thúc Liên hợp quốc mời người Kurd dự hòa đàm Syria

Ngoại trưởng Nga tuyên bố nước này sẽ kiên quyết yêu cầu LHQ chống lại tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và mời người Kurd tham dự hòa đàm về xung đột Syria, bất chấp sự phản đối của Ankara.
Nga hối thúc Liên hợp quốc mời người Kurd dự hòa đàm Syria ảnh 1Binh sỹ người Kurd làm nhiệm vụ tại khu vực Ras al-Ain trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters/Sputnik, phát biểu với kênh REN-TV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ kiên quyết yêu cầu Liên hợp quốc chống lại tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và mời người Kurd tham dự hòa đàm về xung đột Syria, bất chấp sự phản đối của Ankara.

Ông Lavrov khẳng định: “Nga có cùng lập trường với bất cứ một quốc gia nào khác ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu Liên hợp quốc không nhượng bộ trước các tối hậu thư, đồng thời mời người Kurd ngồi vào bàn đàm phán ngay khi hòa đàm bắt đầu.”

Ông cho rằng người Kurd phải là một phần của hòa đàm nếu tiến trình này là nhằm đảm bảo chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nếu người Kurd bị loại khỏi cuộc đàm phán về tương lai của Syria, họ sẽ “mất niềm tin vào cộng đồng quốc tế.”

Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng nhấn mạnh Nga có bằng chứng cho thấy lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt trên lãnh thổ Syria.

Ông gọi những hành động của Ankara tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là “sự bành trướng dần dần.”

Trong khi đó, theo AFP, ngày 13/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hứng chịu những tổn thất nặng nề ở Syria trong 3 tuần qua.

Phát biểu sau cuộc gặp với các đồng minh châu Âu ở Paris, ông Kerry nói: "Ở Syria, chỉ tính riêng trong 3 tuần qua, Daesh (IS) đã mất 3.000km2 và 600 tay súng."

Ngoài ra, ông Kerry cũng nói rằng Nga và Iran cần bày tỏ lo ngại trước việc chính phủ Syria đang rút lại những gì mà họ đã đồng ý trước đó trên bàn đàm phán.

Ông cảnh báo chính quyền Damascus và những bên hậu thuẫn không thử thách các giới hạn của lệnh ngừng bắn, nhấn mạnh những hành động vi phạm thỏa thuận này có nguy cơ phá hỏng tiến trình hòa bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục