Nga kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Yemen

Nga khẳng định quân sự không phải là giải pháp cho cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua giữa phiến quân Houthi và Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn.
Nga kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Yemen ảnh 1Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Sanaa ngày 5/12/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 22/1, Nga kêu gọi chấm dứt giao tranh tại Yemen và khẳng định quân sự không phải là giải pháp cho cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua giữa phiến quân Houthi và Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 22/1 tại Moskva với Ngoại trưởng Yemen Abdulmalik al-Mekhlafi đang ở thăm nước này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấm dứt "càng sớm càng tốt" cuộc xung đột vũ trang ở Yemen và điều quan trọng là các bên tham chiến từ bỏ nỗ lực giải quyết xung đột bằng vũ lực.

Theo ông Lavrov, Moskva sẽ can dự với tất cả các bên ở Yemen để chuyển sang đối thoại chính trị. Về phần mình, Ngoại trưởng Yemen al-Mekhlafi cho biết chính phủ hợp pháp ở Yemen ủng hộ giải pháp hòa bình.

[Phiến quân Houthi bắn hạ máy bay liên quân Arab ở miền Bắc Yemen]

Tháng trước, Nga đã ngừng sự hiện diện ngoại giao tại Yemen do cuộc xung đột ngày càng gia tăng tại quốc gia Trung Đông này.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.

Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen đến nay chưa có kết quả. Chiến tranh và xung đột kéo dài gần 3 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo. Kể từ tháng 4/2017, Yemen phải đối mặt với dịch tả tồi tệ nhất thế giới với khoảng 5.000 ca nhiễm mỗi ngày và khoảng 15 triệu người lâm vào tình trạng thiếu nước sạch và dịch vụ y tế./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục